Theo nghiên cứu mới được công bố, các nhà khoa học từ Cơ quan Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) phát hiện "sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất gần tăng gấp đôi" từ năm 2005 đến năm 2019. Điều này có thể gây ra những biến đổi lớn về khí hậu. Guardian đưa tin.
Sự mất cân bằng năng lượng là mức chênh lệch giữa lượng "bức xạ" của Mặt Trời được bầu khí quyển và bề mặt Trái Đất hấp thụ so với lượng "bức xạ nhiệt hồng ngoại" phản xạ trở lại không gian.
"Sự mất cân bằng năng lượng có nghĩa là hệ thống Trái Đất đang hấp thụ năng lượng, khiến Trái Đất nóng lên”, NASA cho biết.
Các nhà khoa học phát hiện ra điều này bằng cách so sánh dữ liệu từ các cảm biến vệ tinh - theo dõi lượng năng lượng đi vào và thoát ra khỏi Trái Đất - và dữ liệu từ thiết bị trên đại dương - cho phép ước tính chính xác tốc độ các đại dương trên thế giới đang nóng lên.
Bang California, Mỹ giữa đợt nắng nóng năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Dữ liệu của các cảm biến vệ tinh phù hợp với sự thay đổi nhiệt độ trong các đại dương, vì khoảng 90% năng lượng dư thừa sẽ tích tụ trong các đại dương.
Ông Norman Loeb, chuyên gia thuộc NASA - tác giả chính của nghiên cứu - chia sẻ: “Hai biện pháp độc lập cùng theo dõi sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất. Và cả 2 kết quả đều chứng minh sự mất cân bằng thực sự đang diễn ra trên Trái Đất. Điều này thật đáng báo động”.
Theo nghiên cứu, sự mất cân bằng năng lượng gây ra do mức tăng phát thải khí nhà kính và hơi nước. Chúng giữ nhiệt trong bầu khí quyển của Trái Đất, ngăn bức xạ di chuyển ra ngoài không gian.
Ngoài ra, sự thay đổi giữa các dòng biển lạnh và nóng ở Thái Bình Dương có vai trò quan trọng trong việc khuếch đại sự mất cân bằng năng lượng này. “Và cũng có thể kết hợp cả yếu tố chủ quan của con người”, ông Loeb cho biết.
Nghiên cứu cũng chỉ ra nếu tốc độ hấp thụ nhiệt không chậm lại, sẽ có những sự thay đổi lớn xảy ra trên Trái Đất, như băng tan.