Từ tuần lễ trước Tết Nguyên đán, Phuket, nổi tiếng với bãi biển xinh đẹp và là thiên đường mua sắm với giá cả phải chăng, đã tràn ngập du khách Trung Quốc. Wall Street Journal miêu tả Ranai, một hòn đảo nhỏ bên ngoài Phuket, trông không khác gì bến tàu điện ngầm ở Thượng Hải vào giờ cao điểm với du khách chen chúc để tìm vị trí trên boong các chuyến tàu cao tốc.
Các trung tâm mua sắm đông nghịt người. Tại một cửa hàng tên là Modern Latex, hàng trăm du khách Trung Quốc thử những chiếc giường màu vàng chanh được làm từ cao su địa phương. Họ nằm lên chúng trong khi lũ trẻ coi đó là nệm nhún.
Trong một siêu thị miễn thuế gần đó, Luo Yang và vợ ông đang mặc cả. "Mọi thứ đều rẻ", Luo nói. Ông đi cùng một đoàn tour từ thành phố Trùng Khánh.
Một đoàn du khách Trung Quốc đi theo tour tại Thái Lan. Ảnh: AFP. |
Thái Lan hiện là điểm đến quốc tế hàng đầu đối với khách du lịch Trung Quốc. Hiệp hội Công ty Du lịch Thái Lan ước tính số khách Trung Quốc đến Thái Lan trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ đạt 400.000 người.
Điều Thái Lan sẽ có là "cơn mưa tiền" của người Trung Quốc. Dù vậy, không thiếu vấn đề: đường sá kẹt cứng xe cộ, các địa điểm chụp ảnh đầy người, khách sạn mọc lên như nấm để đáp ứng nhu cầu đang tăng và làm trầm trọng hóa nguy cơ phát triển quá đà.
Ngay cả những người vốn ủng hộ phát triển du lịch cũng phải cảnh báo Phuket đang tiến gần đến "điểm bùng nổ".
"Mọi thứ không thể cứ thế này mãi", Wall Street Journal dẫn lời Bhummikitti Ruktaengam, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Phuket.
Người Trung Quốc đi khắp thế giới
Tình trạng tại Phuket chính là một hệ quả của sự gia tăng toàn cầu đối với nhu cầu du lịch của người Trung Quốc. Hơn 62 triệu người Trung Quốc đã đi nghỉ ở nước ngoài trong năm 2017, gấp 2 lần so với 5 năm trước đó. Hiện chỉ có 8% người Trung Quốc có hộ chiếu nhưng mỗi năm lại thêm hàng triệu người làm hộ chiếu.
Ở phần lớn các nơi, du khách Trung Quốc được hoan nghênh chào mừng. Người Trung Quốc đã chi 261 tỷ USD cho việc đi nghỉ trong năm 2016, theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc. Con số này nhiều hơn du khách từ bất kỳ quốc gia nào. Từ năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã đóng góp đến 80% cho tăng trưởng du lịch toàn cầu.
Khách du lịch Trung Quốc tại Paris, Pháp. Ảnh: AFP. |
Thái Lan hưởng lợi lớn từ sự tăng trưởng trên. Trong năm 2017, 10 triệu khách Trung Quốc đã đến Thái Lan, tăng 1 triệu so với năm 2010 và gấp 3 lần con số của các quốc gia khác. Giới chức du lịch Thái Lan đã chờ đợi 11 triệu khách Trung Quốc trong năm 2018.
Dù phần lớn đồng ý rằng lợi ích du khách Trung Quốc mang lại vượt qua những mặt tiêu cực của họ, người làm du lịch ở Phuket than phiền về những người Trung Quốc du lịch theo hình thức tour "không tiêu xài". Đó là những người trả trước một khoản cho công ty bán tour tại Trung Quốc và tiêu xài ít ỏi tại Phuket. Các cửa hàng bán lẻ là một ngoại lệ nơi du khách sẽ vung tiền thoải mái nhưng chúng thường do người Trung Quốc làm chủ và doanh thu chảy ngược về Trung Quốc.
Một số nhóm tour còn mang theo hướng dẫn viên của riêng họ và kéo theo sự phản đối từ những người địa phương. Giới chức Thái Lan đã bắt giữ khoảng 200 hướng dẫn viên Trung Quốc làm việc không có giấy phép tại Phuket trong vài năm qua. Dù vậy, số hướng dẫn viên Trung Quốc cứ tăng lên theo lượng khách đến.
Đối mặt với sự phản đối lớn dần, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul gần đây nói rằng nước này muốn nhấn mạnh tăng trưởng chất lượng, thay vì số lượng. Dù vậy, nhiều người lo ngại việc du khách Trung Quốc sẽ ngừng đến.
Maldives là một bài học nhãn tiền. Nước này trở thành điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc khi cơn sốt du lịch của người Trung Quốc bắt đầu bùng nổ. Maldives đầu tư lớn vào các khu nghỉ dưỡng của họ để đón đầu làn sóng này. Thế nhưng, đến năm 2014, số người Trung Quốc đến Maldives đột ngột giảm và gây nên cú sốc đối với đất nước phụ thuộc lớn vào du lịch như Maldives.
Hàn Quốc cũng từng là điểm đến yêu thích của người Trung Quốc cho đến năm 2016, khi căng thẳng chính trị Hàn - Trung đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành du lịch nước này.
"Không thể cưỡng lại"
Tại Thái Lan, lượng du khách Trung Quốc viếng thăm giảm trong một thời gian ngắn trong năm 2016. Điều này xảy ra sau hàng loạt bài đăng trên mạng xã hội của người Thái than phiền về hành vi xấu của khách đi tour Trung Quốc và việc giới chức Thái Lan tìm cách hạn chế các "tour không đồng" đến nước họ. Dù vậy, giới chức Thái Lan, "hoảng hồn" trước lượng khách giảm, đã nhanh chóng tìm cách khôi phục đà tăng trưởng.
Du khách Trung Quốc đôi khi hành xử tệ hại, chen hàng hay xả rác, như Cơ quan Du lịch Quốc gia Trung Quốc đã thừa nhận. Dù vậy, số tiền họ tiêu ở các điểm du lịch đã "đóng góp cho phúc lợi xã hội" ở các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Xu Jing, Giám đốc Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc và là một người Trung Quốc, nói hồi năm 2017.
Vũ công trong một show diễn ở Pattaya bên cạnh một du khách Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Ở Ranai, người điều hành tàu Karn Therdmaefaluang không có gì phàn nàn về các khách hàng người Trung Quốc của ông. Nhờ 200 du khách Trung Quốc đi thuyền mỗi ngày, giờ ông tạo được công ăn việc làm cho 100 người Thái Lan.
"Người Trung Quốc thích đi theo nhóm lớn", ông nói.
Người Trung Quốc không chỉ đến và mang theo tiền, họ mang theo cả sức ảnh hưởng. Giờ thì người ta có thể thấy chiếc xe đạp màu vàng của ứng dụng chia sẻ xe Ofo trên các góc phố của Thái Lan hoặc việc thanh toán bằng Alipay và WeChat được chấp nhận ở nhiều nơi.
Những người bán hàng rong tại chợ đêm ở Phuket đã học được cách chào hàng bằng tiếng Hoa phổ thông để dùng mỗi khi người Trung Quốc đi qua. Trước một show diễn cá sấu, ông bầu Thái Lan trong bộ đồ sặc sỡ không nói "hello" với du khách nữa. Ông nói "ni hao" ("xin chào" trong tiếng Hoa).