Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái cây Trung Quốc ùn ùn dội chợ

Cứ gần Tết Nguyên đán, hoạt động giao thương qua các cửa khẩu khu vực biên giới phía Bắc lại sôi động. Đặc biệt, việc nhập khẩu trái cây từ cửa khẩu biên giới nhộn nhịp hẳn lên.

Nhu cầu tiêu thụ trái cây về cuối năm tăng mạnh khiến thị trường sôi động hẳn lên, đặc biệt là những loại trái cây có màu sắc bắt mắt và đẹp mã. Cũng bởi vậy mà trái cây Trung Quốc giá “mềm” lại ồ ạt tràn vào, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, từ vùng đô thị đến nông thôn, từ cam, quýt đến nho, táo xanh loại nhỏ, táo hồng, lê, dâu tây, dưa vàng…

Tại một số cửa khẩu biên giới phía Bắc, hoạt động buôn bán, nhập khẩu trái cây cũng nhộn nhịp, càng giáp Tết, lượng trái cây tươi nhập về càng nhiều. 

Tại cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), trung bình mỗi ngày có khoảng 600-800 tấn quả tươi các loại nhập về qua đây. Trong đó, nhập nhiều nhất là quýt - loại quả tròn dẹt, vỏ màu vàng, đầy đủ cành lá, tiếp đến là táo và lê.

Bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn) cho biết: Do lượng hàng nhập về nhiều nên cán bộ, nhân viên đơn vị nỗ lực làm thêm giờ để giảm bớt thời gian chờ đợi thông quan cho các doanh nghiệp.

Hiện các mặt hàng hoa quả nhập khẩu đều được lấy mẫu kiểm dịch với tỷ lệ 10%, đến nay chưa phát hiện lô hàng nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn tối đa cho phép.

Còn trên địa bàn tỉnh Lào Cai, ông Trần Văn Hoàng - Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật cửa khẩu quốc tế Kim Thành thông tin, lượng trái cây nhập về qua cửa khẩu Kim Thành thời điểm này chủ yếu là cam, quýt và táo (loại táo xanh).

“Đặc biệt, cam vàng năm nay được nhập khẩu rất nhiều. Rau củ thì chủ yếu là cải thảo, bắp cải và súp lơ”, ông Trần Văn Hoàng cho hay.

Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán trong nước, các loại hạt cũng được nhập khẩu rất nhiều qua cửa khẩu Kim Thành là hạt hướng dương, hạt bí. 

Thị trường nội địa, các loại trái cây, rau củ Trung Quốc hàng ngày vẫn ùn ùn đổ về chợ đầu mối Long Biên, chợ Hòa Đình (TP Bắc Ninh), từ đó được phân phối đi các chợ dân sinh lớn, nhỏ trên địa bàn Hà Nội và khắp các tỉnh, thành phố lân cận.

Đáng nói, một số trái cây thị trường nội địa cũng đang rất dồi dào và giá cả phải chăng, nhưng lượng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng đột biến như cam, quýt. 

Cam, quýt Trung Quốc nhập khẩu tăng đột biến vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán

Kiểm tra an toàn thực phẩm bằng cảm quan

Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII, Lạng Sơn cho biết: Những ngày cuối năm, áp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng hoa quả tươi, mẫu mã đẹp tăng cao; nhất là gần đây hoa quả Trung Quốc trái vụ ồ ạt nhập vào nước ta.

"Thông thường, các mặt hàng này đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo quản nên nguy cơ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và tiềm ẩn mất ATTP cao hơn các loại hoa quả chính vụ”, bà Hà nói. 

Theo ông Trần Văn Hoàng, việc kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với rau, củ quả nhập khẩu qua cửa khẩu Kim Thành vẫn được triển khai nhưng chủ yếu là kiểm tra bằng bộ thử nhanh. Việc lấy mẫu gửi về Hà Nội phân tích các chỉ tiêu hóa chất thì do kinh phí có hạn nên đơn vị không làm được thường xuyên mà chỉ theo đợt, kế hoạch.

Cụ thể, ông Trần Văn Hoàng thông tin, để phân tích 1 mẫu trái cây trung bình mất từ 6-7 triệu đồng, kinh phí này do ngân sách chi trả và duyệt kế hoạch hàng năm. 

Đáng nói, nếu lô hàng nghi ngờ có vấn đề, cơ quan kiểm dịch sẽ lấy mẫu gửi xuống Hà Nội để phân tích, nhưng nhanh nhất cũng phải 5-6 ngày sau mới có kết quả.

“Hàng hóa trái cây, rau củ tươi của doanh nghiệp không thể lưu giữ lâu. Đến khi có kết quả phân tích dư lượng, nếu lô hàng có vấn đề về ATTP thì cũng không thể truy xuất được lô hàng đó đã tiêu thụ ở đâu và tất nhiên cũng không thể nói chuyện thu hồi”, ông Trần Văn Hoàng bày tỏ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà cho hay, lực lượng kiểm dịch tại cửa khẩu vẫn thực hiện kiểm tra, kiểm soát ATTP nhưng hầu hết là bằng cảm quan, cơ quan chức năng kiểm tra trên giấy tờ, quan sát lô hàng và thông quan.

“Trong năm 2015, qua kiểm tra, giám sát và lấy mẫu phân tích chưa phát hiện lô rau, củ quả nào của Trung Quốc nhiễm hóa chất vượt ngưỡng tối đa cho phép”, bà Hà khẳng định. 

Tuy nhiên, việc kiểm tra lấy mẫu tại cửa khẩu chỉ được tiến hành với tần suất ngẫu nhiên từ 10-20% tổng số lô hàng nhập khẩu. Lượng hàng còn lại sẽ được kiểm tra về hồ sơ, nguồn gốc, mẫu mã... Vì vậy, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp lô hàng vi phạm về chất bảo vệ thực vật bị “lọt” qua cửa khẩu. 

http://anninhthudo.vn/xa-hoi/trai-cay-trung-quoc-un-un-doi-cho/655837.antd

Theo Tuyết Nhung/An ninh Thủ đô

Bạn có thể quan tâm