Bên trong công trình cầu Rọc Sen, nơi xảy ra tai nạn bé Nam rơi xuống ống cọc bê tông. Ảnh: Sở TT&TT Đồng Tháp. |
Đến trưa 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết lực lượng cứu nạn ưu tiên sử dụng phương pháp khoan guồng xoắn thực hiện ở độ sâu đáy ống cọc bê tông khoảng 34 m.
Phương pháp khoan xoáy nước đã triển khai trong đêm 3/1, nhưng kết quả đem lại hạn chế, do đó đang tạm dừng thi công.
Hiện tại, đội triển khai khoan guồng xoắn sử dụng mũi khoan có đường kính nhỏ hơn so với hôm qua. Dự kiến chiều 4/1, đội cứu hộ hoàn thành việc phá vỡ, làm tan rã phần đất trong lòng ống thép đường kính 1,6 m. Kế đó, khi giảm được tối đa áp lực ma sát giữa đất và thành ống thì tiến hành phương án nhổ cọc bê tông.
Đội cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp triển khai cứu nạn bé Hạo Nam. Ảnh: Hoàng Giám. |
Công trình cầu kênh Rọc Sen - nơi bé Hạo Nam rơi xuống - thuộc gói thầu số 14 thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư.
Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T. Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải làm đơn vị giám sát.
Đối với trách nhiệm của nhà thầu thi công cầu Rọc Sen, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết đơn vị giám sát quản lý đã có nhắc nhở, yêu cầu trách nhiệm phải che chắn kĩ công trình. "Tuy nhiên, đây là trường hợp hy hữu, bé Nam đi vào thời điểm có khe kẽ trong công trình, không ai phát hiện được", ông Bửu nói.
Khi để xảy ra tai nạn của bé Nam thì trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công. Dưới sự tìm hiểu của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, đơn vị thi công đã che chắn, căng rào, gắn cảnh báo, đồng thời cử người quan sát.
Ông Bửu cho biết từ ngày đầu xảy ra tai nạn, chủ đầu tư có mặt ở hiện trường, chấp nhận mọi yêu cầu điều động lực lượng đến hiện trường, chủ động hỗ trợ đội cứu nạn.
"Hiện tỉnh tập trung công tác cứu nạn bé trai, đồng thời giải quyết khó khăn cho gia đình. Trách nhiệm cơ quan chuyên môn liên quan đến sự cố công trình, sẽ được lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp cập nhật để giải quyết cho phù hợp với quy định luật pháp. Thời gian tới khi công trình tiếp diễn, địa phương phải kiểm soát được khâu an toàn", ông Bửu thông tin.
Phương án giải cứu bé Nam là làm loãng địa chất xung quanh để tiến hành nhổ ống cọc bê tông. Đồ hoạ: Duy Anh. |
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.