Thông hai đầu, tắc ở giữa
Thông hai đầu, cấm ở giữa. Đó là thực tế đang diễn ra trên cao tốc có chiều dài 244 km, chạy qua Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Hiện tại, việc lưu thông bắt đầu từ km 0 - km 79; từ km 79 - km 149, các phương tiện buộc phải đi theo hướng quốc lộ 32C (chừng 50 km) ra ga Mậu A rồi tiếp tục đi về thành phố Yên Bái (chừng 30 km) sau đó chạm cao tốc ở km 149; km 149 - km 244 các phương tiện lưu thông bình thường để đến điểm cuối là thành phố Lào Cai.
Dù mặt đường đã làm xong nhưng quãng giữa của cao tốc chưa được lưu thông do đang hoàn thiện nốt hạ tầng. Vì thế, cách đây không lâu một số kẻ cơ hội đã "đục nước béo cò" khi mở dịch vụ cò cho các xe khi muốn được lưu thông trên đoàn đường này.
Điển hình phải kể đến việc một số người dân ở xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ (khu vực nút giao thông Sai Nga, Km 79) đã làm dịch vụ dẫn đường cho xe tải vào cao tốc ở đoạn đang thi công để không đi qua tuyến đường tránh khoảng 70 km. Ở địa phận xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - nơi có nút giao thông IC 14 (km 149) - điểm bắt đầu cấm đường từ phía Lào Cai về Hà Nội cũng phát sinh dịch vụ cò như vậy.
Việc để các phương tiện lưu thông vào tuyến đường đang là công trường gây mất an toàn, ảnh hưởng đến chất lượng thi công. Những lộn xộn trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai còn trở nên phức tạp hơn khi một số đối tượng còn bảo kê, thu tiền của lái xe khiến Bộ Công an phải vào cuộc điều tra xử lý.
Nhân viên thu phí luôn nói lời cảm ơn. |
Thi công xong đến đâu, cho lưu thông đến đấy nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân là cách làm đúng. Cũng bởi cách làm này mà cao tốc Hà Nội - Lào Cai lại có thêm một đặc thù - đường chưa làm xong đã thu tiền. Thế nhưng, việc này lại không phi lý tẹo nào bởi, cả tuyến 244 km được chia thành nhiều đoạn và đặt 9 trạm thu phí. Như vậy, người tham gia giao thông, đi đến đâu đóng tiền đến đấy - một cách làm rất cơ chế thị trường.
Ngày 12/9, chúng tôi chạm km 0 cao tốc Hà Nội - Lào Cai lúc 7h30. Tại đây, chúng tôi gặp các chiến sĩ CSGT, Cục CSGT đường bộ - đường sắt. Trung tá Triệu Minh Dương, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết, anh cùng hai đồng đội có mặt tại đây từ lúc 6h để thực hiện ca làm việc đến 12h. Một ngày, các anh được chia thành 3 ca để đảm bảo có mặt 24/24h.
Cùng "cắm chốt" ở km 0 là trạm cân tải trọng còn có hai nhân viên Nguyễn Quốc Chung và Trần Văn Đoán, Công ty Vận hành và bảo trì đường cao tốc. Trạm cân này cũng hoạt động 24/24h và các nhân viên cũng thay nhau "bám" đường.
Trạm thu phí chúng tôi gặp đầu tiên tại km 6. Cô nhân viên trong đồng phục màu xanh, tóc búi cao khi thấy xe chúng tôi trờ đến nở nụ cười tươi rói: "Xe của chị 40.000 đồng ạ" - "Em cảm ơn!".
Cuộc giao tiếp ngắn ngủi nhưng đầy sự thân tình làm chúng tôi rất vui và thầm nghĩ, "đúng là lời chào cao hơn mâm cỗ". Hẳn đây là cách làm mới của con đường sắp khai sinh đây. Và thực tế đã chứng minh, chúng tôi nói đúng.
Tại các trạm thu phí IC 10 (nút giao thông Cẩm Khê, Phú Thọ)… khi chúng tôi đi từ Lào Cai về cũng đều nhận được thái độ niềm nở, lời nhắc số tiền phí khéo léo nhưng dứt khoát cùng câu cảm ơn thân tình lưu thông trên đoạn công trường đang cán đích ngày 21/9, chúng tôi gặp rất nhiều toán công nhân đang quét đường. Đảm bảo mặt đường sạch, không bụi bẩn cũng là một trong những yếu tố cần thiết trước giờ thông xe kỹ thuật.
"Cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài 244 km. Km 0 từ đường vành đai III-trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài (khoảng Km10+450 đường Bắc Thăng Long-Nội Bài). Điểm cuối là xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai (vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu).
Theo thiết kế, đoạn từ Hà Nội - Yên Bái có 4 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 100km/h; đoạn từ Yên Bái - Lào Cai có 2 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 80km/h. Tổng mức đầu tư 1,46 tỷ USD.
Dự án phải thi công nhiều hạng mục với khối lượng rất lớn gồm 120 cầu lớn nhỏ, 1 hầm xuyên núi dài 530m, 1 hầm chui, 12 nút giao khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23ha.
Diện tích giải phóng mặt bằng của dự án là 2.062,38ha; đền bù giải phóng mặt bằng cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng; xây dựng 99 khu tái định cư; di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng; dự án áp dụng chương trình phục hồi thu nhập cho gần 17.000 hộ dân.