Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trả lại tên cho bức ảnh gây tranh cãi trong vụ thảm sát Mỹ Lai

Sau nhiều năm nỗ lực tìm kiếm sự thật lịch sử, bức ảnh "Anh che đạn cho em" từng gây tranh cãi ở khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) đã được trở về với đúng tên của nó.

Ngày 13/3, Ban Quản lý Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) đã hoàn tất việc trưng bày bộ ảnh do ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai chuẩn bị cho lễ tưởng niệm 55 năm thảm sát Sơn Mỹ (16/3/1968 - 16/3/2023).

Trong số này, Ban Quản lý Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ chỉnh sửa bức ảnh "Anh che đạn cho em" thành "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái".

Lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết chiều 8/3 vừa qua, tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968) đã ký biên bản đồng ý tặng bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai và thống nhất nội dung chú thích các bức ảnh được trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê).

Ông cũng thống nhất đặt lại tên bức ảnh "Anh che đạn cho em" thành tên: "Đứa bé trai cố che đạn cho em gái" cho đúng với sự thật lịch sử.

Buc anh My Lai anh 1

Chú thích bức ảnh đã được lãnh đạo Quảng Ngãi và ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai thống nhất chỉnh sửa, trưng bày ở Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ. Ảnh chụp lại ngày 13/3/2023.

"Cho đến nay ký ức đau thương ở Mỹ Lai vẫn còn day dứt mãi trong trái tim tôi. Lần thứ hai trở về thăm Quảng Ngãi, tôi cùng bạn bè mong muốn điều duy nhất, đó là thế giới được hòa bình, không còn cảnh chiến tranh xảy ra nữa", ông Ronald Haeberle trải lòng với Zing.

Trước đó, tháng 4/2019, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) từng thông báo kết luận cuộc họp hội đồng khoa học về việc chỉnh sửa nội dung chú thích trưng bày thảm sát Sơn Mỹ thuộc chuyên đề "Tội ác chiến tranh xâm lược".

Bà Trần Xuân Thảo, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Chủ tịch hội đồng khoa học, cho hay: "Sau thời gian xác minh, Hội đồng khoa học kết luận điều chỉnh nội dung chú thích cũ của tấm ảnh thành 'Anh che đạn cho em'. Anh Trần Văn Đức, 7 tuổi. Em Trần Thị Hà, 14 tháng tuổi. Hai anh em hiện còn sống".

Hiện ông Trần Văn Đức (62 tuổi), Việt kiều sinh sống tại CHLB Đức, là người từng làm "dậy sóng" dư luận khi đứng lên tuyên bố ông là nhân vật trong bức ảnh "Anh che đạn cho em". Bức ảnh này là một trong số 60 tấm ảnh mà cựu phóng viên Mỹ Ronald Haeberle chụp trong vụ thảm sát Mỹ Lai. Còn bà Trần Thị Hà (56 tuổi, em gái ông Đức) đang sống ở xã Tịnh Châu , TP Quảng Ngãi.

Suốt nhiều năm qua, ông Đức miệt mài soạn thảo, gửi đi hàng chục gói hồ sơ đến nhiều cơ quan chức năng Việt Nam để chứng minh rằng hai đứa trẻ trong bức ảnh "Anh che đạn cho em" là ông và em gái là Trần Thị Hà.

Buc anh My Lai anh 2

Bức ảnh "Anh che đạn cho em" trên bờ ruộng buổi sáng 16/3/1968 gây nhiều tranh cãi suốt 55 năm qua ở làng quê Sơn Mỹ. Ảnh:Ronald Haeberle.

Ông cho rằng bức ảnh của mình che đạn cho em gái bị chú thích sai hoàn toàn là hai anh em trai Trương Bốn che đạn cho Trương Năm và cả hai bị lính Mỹ bắn chết. Thoạt đầu, ông nghĩ chuyện này đơn giản có thể yêu cầu cơ quan chức năng điều chỉnh lại chú thích ảnh vì nhiều người dân địa phương có thể làm chứng, trả lại sự thật cho bức ảnh nhưng không ngờ hành trình tìm sự thật lịch sử cho bức ảnh này kéo dài suốt nhiều năm.

Không chỉ gửi đơn thư, gặp gỡ nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát Mỹ Lai, Đức gửi email đi khắp nơi dò tìm về hai phi công Mỹ Larry Colburn và Hugh Thompson từng đi trực thăng giải cứu dân làng trong vụ thảm sát Mỹ Lai.

Tháng 9/2011, sau thời gian dài tìm thông tin, ông Đức đã quyết định bay sang Mỹ tìm gặp ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai hy vọng tìm được manh mối sự thật cho bức ảnh. Tháng 10/2011, Ronald đồng ý cùng ông Đức trở lại Việt Nam cung cấp thêm thông tin, trả lại tên đúng với bức ảnh gây tranh cãi này.

Chiều 8/3, tại cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Quảng Ngãi, ông Ronald Haeberle, tác giả bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai (16/3/1968) đồng ý tặng bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai và thống nhất nội dung chú thích các bức ảnh được trưng bày tại Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê).

Sáng 16/3/1968, phóng viên ảnh chiến trường Ronald Haeberle theo chân một đơn vị quân đội Mỹ tiến vào làng Sơn Mỹ. Nhóm lính Mỹ đã xả súng bắn chết hàng trăm nông dân, vào làng đốt nhà và tiếp tục bắn giết ông già, đàn bà, trẻ con. Cuộc thảm sát diễn ra trong vòng 4 giờ đồng hồ, khiến 504 thường dân thiệt mạng.

Cựu nhà báo Mỹ đã chụp lại tổng cộng 60 bức ảnh (40 trắng đen và 20 ảnh màu) ghi lại cảnh tượng kinh hoàng này. Cuối năm 1969, bộ ảnh thảm sát Mỹ Lai được ông đăng trên tạp chí Time, Life và Newsweek. Thời điểm đó, tin tức về vụ thảm sát hâm nóng thêm phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Ronald Haeberle tặng bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai cho Quảng Ngãi

Làm việc với lãnh đạo Quảng Ngãi, ông Ronald Haeberle tặng bộ ảnh vụ thảm sát Mỹ Lai và thống nhất nội dung trưng bày ảnh ở Khu chứng tích Sơn Mỹ.

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm