Vào ngày 16/7, tổ chức quản lý di sản Anh English Heritage đã công bố một dự án bảo tồn kéo dài hai năm. Các nhà phục chế đã làm sáng tỏ vẻ đẹp của một bức tranh bí ẩn, không có chữ ký, có tuổi thọ lên đến 400 năm, theo Guardian.
Bức tranh vẽ hình ảnh của một cô gái bán hoa quả tại khu chợ của Hà Lan. Các phân tích kỹ thuật và nghiên cứu xác định bức tranh có niên đại từ thế kỷ XVI, trước thời kỳ hoàng kim của Hà Lan (khoảng thế kỷ XVII), sớm hơn so với những dự đoán trước đây.
Các chuyên gia phát hiện rằng lần trùng tu vào thế kỷ XIX đã thay đổi nhiều chi tiết quan trọng của bức tranh. Cô gái được vẽ thêm miệng cười và bức tranh bị chuyển từ hình chữ nhật sang hình vuông.
Bức tranh trước khi được khôi phục. Ảnh: English Heritage. |
Bức tranh được nhà Audley End tại Saffron Walden, Essex mua lại vào thế kỷ XVIII. Các nhà phục chế đã cố gắng khôi phục nguyên trạng bức tranh và xóa đi nụ cười giả mạo.
Alice Tate-Harte, người bảo quản các bộ sưu tập của English Heritage, cho biết: “Nụ cười là một sự thay đổi. Tôi nghĩ cô ấy trông nghiêm nghị hơn rất nhiều”.
“Khung tranh bị bong tróc và rất bẩn. Những lớp sơn quá dày đã cướp đi vẻ đẹp vốn có của bức tranh”, cô nói.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất chính là việc loại bỏ phần tranh được vẽ thêm vào thế kỷ XIX. Các nhà nghiên cứu cho rằng bức tranh được vẽ thêm để có thể vừa vặn với khung vuông.
“Thật khó hiểu khi họ vẽ thêm. Tại sao không tìm một chiếc khung phù hợp với bức tranh? Điều này đã xảy ra rất nhiều trong những gia đình quý tộc sống tại nông thôn. Việc bảo tồn không thực sự được coi trọng vào thế kỷ XIX. Vì vậy, mọi người có thể thoải mái làm những gì mình muốn”, cô Tate-Harte nhận định.
Dựa trên màu sắc rực rỡ, nhiều khả năng bức tranh có liên quan đến họa sĩ nổi tiếng của thế kỷ XVI Joachim Beuckelaer. Họa sĩ Beuckelaer có nhiều tác phẩm được trưng bày tại bảo tàng Quốc gia Anh và bảo tàng Prado tại Madrid, Tây Ban Nha.
Bức tranh may mắn không mang sự rùng rợn như những tác phẩm khác của Beuckelaer. "Trong những bức tranh của ông ấy, có một nhóm nhân vật và bạn sẽ thấy một người đàn ông hơi phóng đãng. Bức tranh này may mắn không có điều đó”, Tate-Harte nói.
Bức tranh đã được trưng bày tại ngôi nhà Audley End lần đầu tiên sau 60 năm. Đồng thời, nó xuất hiện với hình dạng và chi tiết nguyên bản.
Công việc bảo tồn di sản là một niềm vui đối với Tate-Harte và các đồng nghiệp. “Thật tuyệt vời khi được thực hiện những dự án như vậy. Chúng đã giúp chúng tôi giữ vững tinh thần lạc quan trong suốt thời gian đại dịch Covid-19”.