Chiến hạm Trung Quốc (phía sau) đuổi theo tàu chiến Mỹ trong sự kiện giữa năm 2015. Ảnh: CNN |
Ngô Thắng Lợi, chỉ huy Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), khẳng định, Hải quân Trung Quốc hạn chế đối mặt với các hành động của Mỹ. Tuy nhiên, ông Ngô cảnh báo họ sẵn sàng đáp trả "hành vi khiêu khích lặp lại của Mỹ với cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông", Reuters đưa tin.
“Hải quân Trung Quốc theo dõi chặt chẽ các hành động khiêu khích của Mỹ và đưa ra những cảnh báo. Trung Quốc đang phải rất kiềm chế để bảo quan hệ song phương. Nếu Mỹ lặp đi lặp lại các hành động khiêu khích bất chấp phản đối từ Trung Quốc, chúng ta sẽ thực hiện các hành động nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”, trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc dẫn lời ông Ngô ngày 19/11 cho biết.
Hiện tại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên phần lớn lãnh thổ Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Mỹ và nhiều quốc gia khác khẳng định họ có lợi ích chiến lược ở vùng biển này nên đã thực thi các hoạt động nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không.
Tháng trước, Mỹ điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen và máy bay ném bom chiến lược B-52 áp sát vùng biển và vùng trời nằm trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Theo phía Mỹ, đây là động thái rõ ràng nhất nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp đẩy mạnh bồi đắp các đá và rạn san hô chiếm giữ trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việc xây dựng sân bay, căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp được cho là hành động hiện thực hóa yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.
Nhằm chống lại yêu sách của Bắc Kinh, Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc. Trung Quốc luôn bác bỏ quyền xét xử của tòa nhưng phán quyết cuối tháng 10 chấm dứt mọi tranh cãi.
Đêm 29/10, Tòa Trọng tài tuyên bố họ có quyền xét xử nhiều vấn đề trong vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyên gia nhận định, đây là thất bại to lớn của Bắc Kinh trên trường quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín và vị thế nước lớn của Trung Quốc.