Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Biển Đông nóng bên lề APEC

Mỹ muốn thảo luận về vấn đề Biển Đông trong các cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC bất chấp Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo không muốn chủ đề này được nhắc đến ở sự kiện.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC và phu nhân mặc trang phục sử dụng chất liệu truyền thống của Philippines chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị. Ảnh: Reuters

Hội nghị cấp cao APEC thường là dịp để các nước thành viên xây dựng sự đoàn kết thương mại, nhưng thỉnh thoảng vẫn có các sự kiện bên lề thu hút sự quan tâm hơn. Một vấn đề nóng bỏng tại hội nghị APEC năm nay là tình hình căng thẳng trên Biển Đông, xung quanh việc Trung Quốc bồi lấp trái phép các bãi đá và hành vi củng cố những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này.

Trước ngày diễn ra hội nghị, Bắc Kinh nhiều lần cảnh báo không muốn vấn đề Biển Đông được nhắc đến ở sự kiện. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày hôm qua đã có một loạt động thái để cảnh báo Bắc Kinh.

Ông mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt những hoạt động bồi lấp và quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ cũng thông báo viện trợ 250 triệu USD nâng cao năng lực an ninh hàng hải cho các nước đối tác trong Đông Nam Á, và bán một tàu chiến cho Philippines.

Trước những hành động của Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, phản ứng giận dữ và cho rằng "Mỹ phải chấm dứt can thiệp cũng như làm căng thẳng tình hình ở Biển Đông".​

Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại thành phố Manila từ ngày 17 tới 19/11. Từ Manila, nhiều nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tới Kuala Lumpur, thủ đô của Malaysia, để dự ​một cuộc họp khác của khu vực là Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào ngày 22/11.​

Lãnh đạo APEC cam kết thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull ngày 19/11 cho biết, các lãnh đạo dự họp hội nghị cấp cao APEC ở Philippines đạt sự đồng thuận cao về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Phát biểu trước báo chí, Thủ tướng Turnbull nói các nguyên thủ đã bàn luận rất sôi nổi về hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). "Những vị lãnh đạo trong khu vực đều hiểu rõ rằng đây là cách để bảo đảm tăng trưởng vững mạnh, tăng trưởng việc làm, bảo đảm con đường thành công và thịnh vượng cho nhân dân, khi chúng ta xây dựng nền thương mại mở và tự do".

Tại cuộc họp APEC, các nhà lãnh đạo cũng khẩn thiết yêu cầu sự phối hợp quốc tế trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.

Theo AP, tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC cho hay, họ “lên án mạnh mẽ” tất cả các hành động khủng bố và nhấn mạnh “tính khẩn thiết của việc tăng cường phối hợp và đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố”.​

Thảm đỏ APEC

Tổng thống Aquino mải nói chuyện với nữ lãnh đạo Chile trong khi Chủ tịch Trung Quốc bước đi một mình trên thảm đỏ. Ảnh: Inquirer
Tổng thống nước chủ nhà mải nói chuyện với nữ lãnh đạo Chile trong khi chủ tịch Trung Quốc bước đi một mình trên thảm đỏ. Ảnh: Inquirer

Tối 18/11, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cùng 20 nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cùng đến địa điểm tổ chức buổi lễ khai mạc ở thủ đô Manila. Trong các bức ảnh do báo chí chụp, ông Aquino, Tổng thống Chile Michelle Bachelet và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi hàng đầu tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Aquino chỉ cười và nói chuyện thân mật với nữ nguyên thủ Chile. Trong khi ông Tập Cận Bình bước đi lặng lẽ trên thảm đỏ và không trò chuyện với ai khác.

Theo AFP, khoảnh khắc này kéo dài đến hơn 4 phút và chỉ kết thúc khi ông Tập đã bước vào bên trong phòng hội nghị.

Các phóng viên đã chất vấn người phát ngôn của tổng thống Philippines, Herminio Coloma, rằng vì sao Tổng thống Aquino không đi vào giữa để trao đổi với chủ tịch Trung Quốc, hoặc sự việc này có thể xem là động thái "làm ngơ" hay không? 

Coloma không trả lời trực tiếp mà chỉ nói: "Quãng đường trên thảm đỏ khá dài, câu hỏi này mang tính chất suy đoán". Người phát ngôn nói thêm: "Trước khi đến sự kiện, hai nhà lãnh đạo đã có cuộc đối thoại ấm áp và thân mật khoảng hai phút".

Cử chỉ ngôn ngữ hoặc những tương tác cá nhân của các nguyên thủ trong những lần gặp gỡ thường là các chỉ dấu phản ánh mối quan hệ ngoại giao. Khi chủ tịch Trung Quốc đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại APEC năm 2014, ông Tập cũng giữ vẻ mặt nghiêm nghị và không cười hoặc nói, không nhìn thẳng vào ông Abe.  

Obama yêu cầu Trung Quốc ngừng bồi lấp trên Biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm nay yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo đất đảo trên các khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Obama lên tàu Philippines cam kết cùng bảo vệ tự do hàng hải

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 17/11 tham quan chiến hạm BRP Gregorio del Pilar và thông báo sớm chuyển giao cho Philippines hai tàu mới nhằm tăng năng lực hàng hải của nước này.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm