Tổng thống Philippines và tổng thống Mỹ trong cuộc gặp tại Manila bên lề APEC. Ảnh: Reuters |
Phát biểu sau cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Benigno Aquino ngày 18/11 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh yêu cầu với Trung Quốc. Ông cũng tái khẳng định cam kết của Washington với quốc phòng và an ninh của Philippines, một trong những bên có tranh chấp trên Biển Đông.
Theo Reuters, Tổng thống Obama cho biết, ông mong đợi làm việc với tất cả các bên có tranh chấp trên Biển Đông nhằm giải quyết vấn đề.
Trước khi APEC 2015 diễn ra, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã công du Philippines nhằm "dọn đường" cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự sự kiện. Theo yêu cầu của phía Trung Quốc, Philippines đồng ý không nêu vấn đề Biển Đông ra chương trình nghị sự APEC. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề nóng bỏng vì Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới.
Theo Diplomat, phía Mỹ sẽ đưa vấn đề này với các quốc gia tham dự APEC, dù có thể nó không nằm trong báo cáo chính thức. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cũng từng tuyên bố “vấn đề Biển Đông” sẽ là trung tâm của các cuộc thảo luận của Mỹ tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ, những sự kiện diễn ra ngay sau APEC 2015.
Tổng thống Obama cũng nêu các vấn đề về tranh chấp trên Biển Đông trong cuộc gặp với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull. Theo ông chủ Nhà Trắng, vấn đề này “rất quan trọng đối với chúng ta vì đơn giản là để đảm bảo các nguyên tắc cơ bản, giúp các vấn đề được giải quyết một cách hòa bình bởi chuẩn mực và quy tắc của luật pháp quốc tế”.
Ông Obama cũng nêu vấn đề này với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Các hoạt động bồi lấp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: CSIS |
Ngay sau khi đặt chân đến Manila, Tổng thống Obama đã thăm soái hạm của Hải quân Philippines, tàu BRP Gregorio del Pilar. Đây từng là chiến hạm của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ. Tổng thống Mỹ chỉ vào con tàu và mô tả nó là biểu tượng của hợp tác hàng hải Mỹ - Philippines.
Trước đó, Lầu Năm Góc đã điều chiến hạm và máy bay ném bom chiến lược qua các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, động thái nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Dù tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp trên Biển Đông nhưng Mỹ muốn đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.