Bộ Môi trường Trung Quốc ngày 11/1 cho biết, hơn 500 người đã được kiểm tra phơi nhiễm phóng xạ, trong đó có khoảng 350 người sống ở biên giới. 37 trạm kiểm tra cố định và 14 trạm di động đã được thiết lập, Reuters đưa tin.
Bức ảnh trên trang web của Bộ Môi trường cho thấy chiếc xe kiểm tra phóng xạ chạy dọc con đường đầy tuyết ở biên giới và một quan chức đứng trên tuyết nhìn vào các thiết bị kỹ thuật.
Tuy nhiên, bộ này đã loại trừ khả năng chất phóng xạ trong vụ thử hạt nhân của Triều Tiên ảnh hưởng tới Trung Quốc và cũng chưa phát hiện hiện tượng bất thường nào.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng thu thập các mẫu nước, đất và tuyết, đồng thời tiếp tục kiểm tra và duy trì cơ chế ứng phó khẩn cấp hiện tại.
Tuần trước, cư dân sống gần biên giới cho biết họ lo ngại vụ thử hạt nhân sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường.
Trung Quốc là đối tác kinh tế và ngoại giao chính của Triều Tiên. Nước này nhiều lần bày tỏ tức giận với Triều Tiên vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa. Bắc Kinh đã chấp thuận các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hiệp Quốc chống lại Bình Nhưỡng và khẳng định sẽ thực hiện, bao gồm kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, nước này cũng cung cấp những khoản viện trợ lớn ngoài dự kiến cho Bình Nhưỡng.
Trung Quốc lo ngại chương trình hạt nhân của Triều Tiên sẽ gây bất ổn với Hàn Quốc và tạo cái cớ để Mỹ đưa vũ khí, lực lượng tới khu vực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia Trung Quốc lo sợ, nếu Bắc Kinh rút lại sự hỗ trợ Triều Tiên, điều này cũng có thể gây ra bất ổn và khiến dòng người tị nạn đổ vào Trung Quốc.
Sáng 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom H, loại vũ khí hạt nhân có sức công phá lớn hơn rất nhiều so với bom nguyên tử cơ bản. Vụ thử khiến Mỹ và Trung Quốc tức giận. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nghi ngờ đây chỉ là bom A.
Theo Reuters, Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc ngày 11/1 được đặt trong mức báo động cao nhất để đề phòng bất kỳ hành động khiêu khích từ phía Triều Tiên. Tư lệnh Curtis Scaparrotti của lực lượng này đã đưa ra lệnh này khi thăm căn cứ không quân Osan, nơi Mỹ và Hàn Quốc cùng điều hành.