Vào tháng 1, một người nhiễm virus corona Vũ Hán đã sử dụng các phương tiện giao thông công cộng để đi khắp thành phố Nam Kinh, phía đông Trung Quốc. Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, những người nhiễm bệnh đi lại tự do có thể là nguy cơ lây nhiễm cho rất nhiều hành khách đi cùng chuyến bay hay tàu.
Đó là lúc mà mạng lưới thiết bị giám sát mạnh mẽ của Trung Quốc bắt đầu phát huy tác dụng. Theo Wall Street Journal, mạng lưới này cho phép lực lượng chức năng theo dõi đường đi của những người nhiễm virus từng phút một, từ đó cảnh báo được cho mọi người đã đi cùng chuyến với người có virus.
Theo dõi bất kỳ ai
"Ngày nay chúng ta có thể theo dõi đường đi nước bước của bất kỳ ai với dữ liệu lớn", Li Lanjuan, chuyên gia của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Người đi tàu, xe hay máy bay tại Trung Quốc hiện nay được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo có thể cảnh báo những người khác khi phát hiện virus corona. Ảnh: AP. |
Trong nỗ lực theo dõi hướng di chuyển của hàng chục nghìn người, Trung Quốc đã vận dụng cả những công nghệ tối tân lẫn yếu tố con người. Tại nhiều tòa nhà, khu dân cư ở Trung Quốc, máy đo thân nhiệt được triển khai để nhận biết những người có nhiệt độ cao. Những người quản lý khu dân cư còn phải nắm thông tin về người đến từ tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch bệnh, để báo cáo tới cảnh sát.
Từ lâu Trung Quốc đã xây dựng những hệ thống giám sát tối tân, kết hợp camera giám sát, công nghệ nhận diện khuôn mặt, theo dõi thông tin trên mạng xã hội để nhận diện các cá nhân nhanh nhất. Trong đợt dịch bệnh này, những hệ thống giám sát đã được sử dụng để đảm bảo giảm tối đa số trường hợp bỏ lọt người nhiễm virus.
Tại tỉnh Chiết Giang, cảnh sát sử dụng dữ liệu để chứng minh 1 người đã tiếp xúc với 3 người đến từ Vũ Hán. Theo CCTV, trước đó người này phủ nhận mình từng tiếp xúc với người Vũ Hán để tránh bị cách ly. Ở huyện Thạch Trụ thuộc Trùng Khánh, lực lượng chức năng đã sử dụng dữ liệu để nhận biết 5.500 người từ tỉnh Hồ Bắc về nhà ăn Tết. Theo báo Trùng Khánh, gần một nửa trong số này đã bị cách ly.
Không chỉ thu thập rất nhiều dữ liệu, WSJ cho rằng các cơ quan chức năng của Trung Quốc còn có một lợi thế khác. Phần lớn các công ty kiểm soát mạng lưới vận tải, viễn thông của Trung Quốc đều có cổ phần của nhà nước.
Điều này cho phép các cơ quan chức năng truy cập dễ dàng hơn vào dữ liệu của những công ty. Thay vì phải gặp trực tiếp người nhiễm virus và hỏi về hành trình của người này, họ có thể lấy dữ liệu chuyến bay, tàu mà người này đã đi một cách nhanh chóng.
"Thông báo khẩn cấp. Những hành khách trên các chuyến này cần chú ý", bảng thông báo các chuyến tàu, xe hay máy bay có người nhiễm bệnh cho biết thời gian, điểm đi, điểm đến và số hiệu từng chuyến. |
Ngay khi có được dữ liệu này, cơ quan chức năng sẽ tạo ra một bảng danh sách những chuyến tàu, máy bay có người nhiễm virus di chuyển và yêu cầu hành khách từng di chuyển trên các chuyến này phải tự cách ly, không được sử dụng phương tiện công cộng và đăng ký tới khu vực lưu trú để được theo dõi.
Bảng danh sách này cũng được cung cấp cho các báo và đăng tải trên các mạng xã hội. Đến nay danh sách này đã có tới hơn 500 chuyến tàu và máy bay.
Bằng cách công bố thông tin rộng rãi, Trung Quốc cũng có thể cảnh báo các quốc gia về các chuyến bay tới/về từ nước ngoài có người nhiễm virus corona. Chuyến bay từ Nha Trang tới Trịnh Châu (VN704) trở về ngày 28/1 có một hành khách nhiễm virus corona.
Sở Y tế Khánh Hòa cho biết đã nhận được thông báo từ Tổng cục Hàng không và lập tức triển khai rà soát, hướng dẫn cách ly và kiểm tra sức khỏe những người từng tiếp xúc với du khách này.
Hàng loạt công ty công nghệ vào cuộc
Theo các quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc, kể từ khi có dịch người đi tàu phải cung cấp số điện thoại bên cạnh CMND mới được mua vé tàu. Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc cũng vào cuộc để thúc đẩy việc theo dõi hướng đi của những người có dịch.
Bằng dữ liệu thu thập lại, cơ quan chức năng tại Trung Quốc có thể lập bản đồ đường đi của những người nhiễm virus corona. Ảnh: WSJ. |
Baidu, công ty tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc cung cấp một bản đồ cho thấy hướng đi, điểm đến của tất cả những thiết bị giao thông từ Vũ Hán trong những ngày trước khi thành phố này bị phong tỏa. Sogou, một công ty tìm kiếm khác cũng ra mắt công cụ để người dùng tự kiểm tra mình có từng đi các chuyến tàu, máy bay có người nhiễm bệnh không.
Các ứng dụng bản đồ để cập nhật vùng có dịch cũng rất phổ biến. Trên ứng dụng Weibo mục 2019-nCov nằm ngay ở phần dễ thấy nhất, để người dùng có thể truy cập, cập nhật các con số về dịch và thông tin khuyến cáo.
Ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc đều cung cấp dữ liệu theo dõi tín hiệu của người đi tàu, xe. China Unicom thậm chí còn lập một đội phân tích dữ liệu lớn với 100 người để theo dõi hướng di chuyển của công dân. Do số điện thoại ở Trung Quốc có liên kết trực tiếp tới chứng minh thư, người Trung Quốc cũng có thể định danh bằng số điện thoại.
Theo bà Susan Erikson, giáo sư y tế tại đại học Simon Fraser, việc định danh bằng số điện thoại từng được áp dụng tại châu Phi khi dịch Ebola bùng phát. Tuy nhiên, phương pháp này không mấy thành công bởi số điện thoại tại các quốc gia Tây Phi không được liên kết với chứng minh thư, mạng điện thoại chưa phủ sóng rộng rãi.
Các ứng dụng tìm kiếm phổ biến tại Trung Quốc đều có bản đồ cập nhật liên tục về số ca nhiễm, nghi nhiễm, số người chết và khỏi bệnh từ virus corona. |
Khi hàng loạt công nghệ theo dõi được đưa ra giữa dịch bệnh, một số lo ngại về quyền riêng tư cũng xuất hiện. Theo WSJ, một bản danh sách hàng trăm người về nhà từ Vũ Hán, bao gồm cả thông tin cá nhân như địa chỉ nhà hay số điện thoại đã được chia sẻ trên mạng tại Trung Quốc. Một số sinh viên trong danh sách này cho biết mình liên tục bị làm phiền vì các cuộc gọi và tin nhắn trên mạng xã hội.
Vào tuần trước, Bộ Giao thông Trung Quốc đã phải cảnh báo các công ty taxi và chia sẻ xe cần phải để ý tới bảo mật khi chia sẻ các dữ liệu khách hàng cho Bộ Y tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định trong tình huống khẩn cấp như dịch bệnh Vũ Hán, mối lo ngại về quyền riêng tư nên gạt sang một bên.
"Khi có nguy cơ y tế công cộng, thì có hi sinh một chút sự riêng tư cho lợi ích chung cũng không sao", Zhu Wei, giáo sư tại Đại học Chính Pháp Trung Quốc nhận định.