Trên vùng đồng bằng giàu than của Nội Mông, những làn khói dày đặc vẫn bốc lên từ ống khói khổng lồ của một nhà máy nhiệt điện than mà chính phủ Trung Quốc đã cam kết ngừng xây dựng hai năm trước.
Đơn vị thứ ba của Nhà máy Nhiệt điện Mengneng Xilin, dự kiến cung cấp 700 megawatt điện cho phía bắc của Trung Quốc, đã được lệnh ngừng xây dựng vào tháng 1/2017.
Mệnh lệnh đến từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc như là một phần trong kế hoạch của chính phủ nhằm loại bỏ hàng triệu đơn vị "năng lượng dư thừa" gây ra bởi sự vội vàng phê duyệt và xây dựng các nhà máy điện "bất hợp pháp".
Nhà máy điện Datang Xilinhot, dự kiến khánh thành vào tháng 7, tại tỉnh Nội Mông của Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Đây cũng là một phần trong cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào than đá và đạt đỉnh điểm phát thải carbon vào năm 2030.
Nhưng ngay cả khi Trung Quốc nhắc lại cam kết giảm phát thải tại cuộc họp Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 9, trước đó ít tuần, ít nhất ba nhà máy nhiệt điện than lớn mới dường như vẫn hoạt động hoặc đang được xây dựng ở Nội Mông, phía bắc Trung Quốc, bao gồm cả Mengneng Xilin.
Kín đáo phê duyệt các nhà máy than
Ở vùng ngoại ô của thành phố Tích Lâm Hạo Đặc của Nội Mông, các cột khói bốc lên từ một số nhà máy điện, trong khi các nhà máy khác đang được gấp rút xây dựng.
Cố vấn chính sách cao cấp toàn cầu của tổ chức môi trường Greenpeace Li Shuo nói rằng đã có sự phản kháng từ các tỉnh và lãnh đạo doanh nghiệp sau lệnh đình chỉ năm 2017 của chính phủ, dẫn đến một số nhà máy than mới được phê duyệt kín đáo.
"Bất cứ khi nào có áp lực giảm sút về mặt kinh tế, các nhà hoạch định chính sách lại có xu hướng hoặc mong muốn khánh thành các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn", ông Li nói với CNN.
Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than lớn nhất thế giới, vượt xa các đối thủ như Mỹ, Ấn Độ và Australia. Nhưng trong bối cảnh gia tăng lo ngại về khí nhà kính và biến đổi khí hậu, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhiên liệu hóa thạch đã bị chỉ trích cả trong nước và quốc tế.
Công nhân đạp xe qua các nhà máy điện ở Quảng Nam, phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Ảnh: AFP/Getty. |
Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào năm 2017 rằng việc giải quyết ô nhiễm và khí thải nhà kính sẽ là một trong "ba trận chiến" của ông, cùng với việc chấm dứt nghèo đói và nợ quá mức.
Kể từ đó, truyền thông nhà nước đã thực hiện nhiều chiến dịch lớn, tuyên truyền về hình phạt đối với các quan chức bị bắt vì vi phạm luật môi trường và quảng bá những tiến bộ mới trong năng lượng tái tạo.
Năm 2018, Trung Quốc tiêu thụ 59% năng lượng từ than đá và 22% từ khí đốt, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Đến năm sau, họ đã cam kết giảm mức phụ thuộc vào than xuống 58% và tiếp tục tăng cường năng lượng tái tạo lên mục tiêu 20% vào năm 2030. Năm 2017, Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo trên toàn thế giới.
"Tôi nghĩ một mặt, Trung Quốc đã trở thành nhà phát triển và nhà đầu tư lớn nhất khi nói đến một số công nghệ tái tạo tiên tiến nhất. Nhưng mặt khác... Trung Quốc đang bơm tiền vào than, cả ở trong nước và nước ngoài", ông Li nói.
Động lực nhiều, lực cản lớn
Mengmeng Xilin không phải là nhà máy điện than duy nhất âm thầm khởi động lại việc xây dựng hoặc đi vào hoạt động kể từ khi thông báo được đưa ra vào năm 2017.
Nhà máy nhiệt điện Huaneng North Victory dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10 này, tạo ra hơn 1.000 megawatt điện. Tương tự, nhà máy điện Datang của Tích Lâm Hạo Đặc vốn dự kiến hoàn thành xây dựng vào tháng 7, cung cấp tới 1.320 megawatt, mặc dù cũng nằm trong danh sách các nhà máy điện bị đình chỉ.
Hai cậu bé nhìn vào màn hình điện thoại trước nhà bên cạnh một nhà máy nhiệt điện than ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Hình ảnh vệ tinh từ Google Earth cho thấy, sau một thời gian tạm dừng trong năm 2017, việc xây dựng cả ba nhà máy vẫn tiếp tục. Người dân địa phương cho biết trữ lượng than khổng lồ giúp họ cải thiện đời sống nhưng cũng khiến môi trường ở Nội Mông ngày càng ô nhiễm hơn.
Việc âm thầm phê duyệt các nhà máy điện than không chỉ khiến cuộc sống của những người chăn gia súc Nội Mông hay các quan chức địa phương đấu tranh để đạt được mục tiêu ô nhiễm khó khăn hơn mà nó hoàn toàn có thể làm suy yếu các nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Phân tích của nhóm hoạt động chống biến đổi khí hậu CoalSwarm, công bố năm 2018, cho thấy nếu Trung Quốc hoàn thành xây dựng tất cả nhà máy điện than mới theo kế hoạch trong khi vẫn vận hành các nhà máy cũ thì cộng đồng quốc tế sẽ rất khó tránh khỏi nhiệt độ tăng nhanh.
Không chỉ tài trợ cho các nhà máy điện than trong nước, báo cáo năm 2019 của Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng cho thấy các công ty Trung Quốc đang giúp đỡ hoặc hứa sẽ tài trợ cho ít nhất một trong bốn nhà máy gây ô nhiễm mới được xây dựng trên toàn cầu.
Li của Greenpeace nói rằng ông cảm thấy có "rất nhiều động lực" ở Trung Quốc để có thêm hành động chống biến đổi khí hậu nhưng thời gian đã cạn kiệt.
"Các nhà máy điện đốt than mới mà nước này thêm vào, chúng đại diện cho quả bom carbon lớn cho hành tinh này. Hành tinh khó có thể trả giá cho bất cứ nhà máy điện đốt than nào nữa", ông nói.