Hà Nội vẫn đang trong chuỗi ngày dài có mức ô nhiễm không khí cao kỷ lục. Từ giữa tháng 9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đa số luôn trong khoảng 150-200, là mức màu đỏ “Có hại cho sức khỏe”, theo trang web chuyên theo dõi ô nhiễm không khí AirVisual.
Thậm chí, sáng 1/10, AQI một số nơi ở Hà Nội vượt quá 200, sang mức màu tím.
Người dân thủ đô phải đeo khẩu trang khi đi tập thể dục. Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho biết số ca tới khám vì dị ứng, viêm da “tăng lên rõ rệt”, theo báo An ninh Thủ đô.
Trao đổi với Zing.vn, các chuyên gia môi trường cho biết để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí cấp bách hiện nay cần nhiều giải pháp dài hạn, tổng thể, nhưng cũng nhắc đến một số biện pháp trước mắt nhắm đến một số nguồn gây ô nhiễm lớn.
Từ ngày 15/9, chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Hà Nội đa số luôn trong khoảng 150-200, là mức màu đỏ “Có hại cho sức khỏe”. Nguồn: AirVisual. |
“Bây giờ giảm được 1% ô nhiễm nào là tốt chừng đấy”, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nói với Zing.vn.
Khuyến cáo ngày 1/10 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nói người dân nên đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài, đồng thời chỉ ra “thời điểm giao mùa... gây hiện tượng nghịch nhiệt” và việc đốt rơm rạ sau thu hoạch ở ngoại thành là nguyên nhân gây ra khiến mức khói bụi ở thủ đô lên mức kỷ lục như hiện nay.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác thường được nhắc đến bao gồm ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp, làng nghề; khí thải từ giao thông, nhất là phương tiện cũ, lạc hậu; khói bụi từ công trình xây dựng; và đun than tổ ong.
Khói bụi tại đường Nguyễn Xiển sáng 2/10. Khí thải từ giao thông là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí kỷ lục tại Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng. |
Cần giải quyết nạn đốt rơm rạ tràn lan
Tiến sĩ Tùng đặt vấn đề làm sao để thành phố hạn chế đốt rơm rạ cho lần tiếp theo. “Có những người thiếu ý thức, nhưng cũng có nhiều người bí cách xử lý, không đốt thì họ không biết làm thế nào”, ông nói.
Ông cho rằng cần hỗ trợ về chính sách và tài chính để có những người thu gom, kiếm được tiền từ rơm rạ thừa, và hướng dẫn dùng rơm rạ làm phụ phẩm, để tạo động lực kinh tế cho việc dừng đốt.
Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam. Ảnh: Mỹ Hà. |
“Đây là nguyên nhân liên quan đến con người, có thể ngăn chặn được... bằng cách tuyên truyền, giáo dục mọi người, thậm chí chế tài, hình phạt, cấm đốt rơm rạ”, tiến sĩ Lưu Đức Hải, từng là chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói.
Hà Nội đang tiến hành một nghiên cứu, lấy mẫu 1 năm để xem nguồn ô nhiễm đến từ đâu.
Dựa vào việc các nguồn ô nhiễm như giao thông, công nghiệp, xây dựng, đốt than tổ ong không có nhiều biến động, mà ô nhiễm lại “lên rất cao” vào tháng 5, 6 và 9, 10 năm nay, các nhà quản lý nhận định nguyên nhân có thể do việc đốt rơm rạ sau vụ mùa ở 19-20 huyện ngoại thành và do thời tiết.
“Giải pháp cấp bách là các địa phương phải vào cuộc ngay ngăn chặn đốt rơm rạ. Ngoài ra, nếu thời tiết khả quan hơn, lượng gió nhiều hơn, có cơn mưa, thì chất lượng không khí sẽ cải thiện”, bà Lê Thanh Thủy, trưởng phòng quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, nói.
Bà cho biết đến nay chưa có luật hay chế tài để xử phạt hành vi đốt, coi đây là một khó khăn lớn.
Tiến sĩ Lưu Đức Hải, cựu chủ nhiệm khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Hai tuần qua, qua kiểm tra ở các huyện ngoại thành, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ghi nhận tình trạng đốt rơm rạ rất phổ biến vào chiều tối, âm ỉ tới gần sáng sớm.
Bà Thủy dự đoán việc đốt rơm rạ có thể giảm trong hai tuần tới, vì các địa phương “đã đốt rất nhiều rồi”.
“Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo kiên quyết toàn bộ 30 quận huyện chấm dứt việc đốt rơm rạ và tới năm 2020-2021 xóa toàn bộ việc sử dụng bếp than tổ ong... nếu chính quyền địa phương ngăn chặn đốt rơm rạ, chắc chắn AQI sẽ giảm”.
Ông Tùng cũng đề xuất đưa “không đốt rơm rạ” vào trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, là mục tiêu mà nhiều xã, huyện muốn đạt được. Hiện nay, tiêu chí thứ 17 về môi trường chỉ nhắc đến nước thải.
Ở mức đỉnh điểm ngày 1/10, Hà Nội đứng đầu danh sách ô nhiễm của AirVisual. AQI tại 14 điểm đều trong khoảng đỏ 151-200. |
Xử lý chất thải ở làng nghề, cụm công nghiệp
“Cần kiểm soát các làng nghề tái chế giấy, nhựa, kim loại, kết hợp kiểm soát hoạt động sản xuất công nghiệp”, ông Tùng nói.
Ông nhận định “quy trình kiểm tra, chế tài đã có rồi, đối với xả thải vượt quá quy chuẩn”, nhưng việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt vẫn đang giới hạn.
Ông cũng nói việc xử lý không phải dễ, vì phải quan trắc chính xác và sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống mưu sinh của người dân.
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề, trong đó có 305 làng nghề được đăng ký và công nhận, tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Nếu doanh thu cao có thể đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, nhưng đa số làng nghề ít quan tâm tới xử lý chất thải, theo trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Các khu công nghiệp ban đầu của Hà Nội không được quy hoạch đồng bộ, nằm xen kẽ trong khu dân cư và trục giao thông. Ảnh: Việt Hùng. |
“Xử lý ô nhiễm không khí là phải xử lý tại nguồn, chẳng hạn xe cộ mà gây ra ô nhiễm vượt quá mức thì không nên cho sử dụng nữa”, tiến sĩ Hải từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói.
Tiến sĩ Tùng cũng đồng tình, cho rằng để kiểm soát khí thải, cần phải tăng cường phương tiện công cộng, nhất là những xe buýt cỡ nhỏ, chạy bằng nguyên liệu sạch CNG (khí nén thiên nhiên). Ông nhắc tới những đề án đã có về hạn chế xe máy, và hy vọng có thể cương quyết hơn.
Tiến sĩ Hải cho rằng xe cộ gây ô nhiễm quá mức thì không nên cho sử dụng nữa. Ảnh: Việt Hùng. |
Minh bạch trong giám sát công trình xây dựng
Trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 công trình xây dựng lớn, nhỏ, mỗi tháng hơn 10.000 m2 đường bị đào bới (số liệu 2017) để triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Nhiều dự án cải tạo hạ tầng, xây dựng nút giao thông, khu đô thị mới đã kéo dài, gây ô nhiễm. Các vi phạm như không che bạt chống bụi, tập kết phế thải lấn chiếm vỉa hè, rơi vãi vật tư, đất cát ra đường... cũng gây ô nhiễm.
Tiến sĩ Tùng cho rằng cần tăng sự minh bạch trong việc giám sát ô nhiễm các công trình xây dựng. “Có thể lắp camera giám sát các công trình xây dựng, truyền tín hiệu về các cơ quan quản lý rồi công bố lên cho người dân, góp phần kiểm soát ngay, vừa trước mắt, vừa lâu dài”, ông nói.
Hành khách đeo khẩu trang trên xe buýt đi qua phố Thái Hà chiều 1/10. Để kiểm soát khí thải, cần khuyển khích phương tiện công cộng. Ảnh: Việt Hùng. |
528 tấn than/ngày?
Việc đốt than tổ ong cũng được cho là nguyên nhân ô nhiễm lớn. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, tính đến tháng 10/2017, trên địa bàn thành phố có trên 55.000 bếp than tổ ong đang được sử dụng, phần nhiều là của các quán ăn, nhà hàng, quán nước vỉa hè.
"Theo số liệu điều tra của chúng tôi, mỗi ngày người dân TP sử dụng 528 tấn than, tương đương với 1.872 tấn khí CO2 phát thải ra môi trường”, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 1/10.
“Các phường nên vận động bà con làm sao hạn chế”, tiến sĩ Tùng nói thêm. “Đã vận động rất ghê và giảm được rất nhiều, phải tiếp tục. Nhiều gia đình bảo kinh tế khó, không đốt than thì đốt cái gì, thì cần hỗ trợ, và làm sao người ta thấy trách nhiệm của mình (với môi trường)”.