Trình bày về chiến lược mới hôm 19/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gọi Trung Quốc và Nga là những "cường quốc xét lại" đang "tìm cách tạo ra một thế giới phù hợp với mô hình chuyên chế của mình".
Theo South China Morning Post, chiến lược mới đánh dấu bước chuyển quan trọng trong các ưu tiên về quốc phòng của Mỹ sau hơn một thập kỷ rưỡi tập trung vào cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem Kinh kịch tại Bắc Kinh hồi tháng 11/2017. Ảnh: Getty. |
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã chỉ trích chiến lược mới mà Lầu Năm Góc đưa ra, nói Bắc Kinh tìm kiếm "quan hệ đối tác toàn cầu, không phải sự thống trị toàn cầu".
"Nếu một số người nhìn thế giới bằng tư duy Chiến tranh Lạnh và trò chơi 'kẻ thắng người thua', họ rốt cuộc sẽ chỉ nhìn thấy xung đột và đối đầu", Tân Hoa xã dẫn lời một đại diện của sứ quán. "Với một tư duy như vậy, hòa bình và phát triển toàn cầu là những lý tưởng không thể với tới".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói Washington đang áp dụng "cách tiếp cận đối đầu" khi được hỏi về chiến lược mới của Bộ Quốc phòng Mỹ tại một cuộc họp báo ở Liên Hợp Quốc.
Chiến lược quốc phòng là chỉ dấu mới nhất cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump đang củng cố chính sách an ninh quốc gia được công bố hồi tháng 12 năm ngoái. Khi đó, ông Trump gọi Trung Quốc và Nga là những "đối thủ cạnh tranh chiến lược".
"Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch chống khủng bố mà chúng tôi đã tham gia, nhưng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, không phải chủ nghĩa khủng bố, giờ đây mới là trọng tâm đầu tiên của an ninh quốc gia Mỹ", ông Mattis nói.
Binh sĩ Nga và Trung Quốc tham gia một cuộc diễn tập chung hồi tháng 12/2017. Ảnh: Getty. |
Shi Yinhong, giám đốc chương trình nghiên cứu Mỹ tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh, nói đây là một dấu hiệu đáng lo khác cho quan hệ Trung - Mỹ.
"Rõ ràng là mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ đang đi theo hướng ngày càng mang tính chiến lược hơn, nghiêm trọng hơn... và toàn diện hơn", ông Shi nói với SCMP hôm 20/1.
"Trong khi Mỹ xem Trung Quốc và Nga đang ngày càng quyết đoán hơn, thì Trung Quốc và Nga cũng có quan điểm tương tự về Mỹ... Vậy nên chúng ta sẽ thấy những hành động, phản ứng và căng thẳng gia tăng giống như những gì diễn ra trong thời Chiến tranh Lạnh".
Chuyên gia Sow Keat Tok tại Đại học Melbourne, Australia, nói chiến lược mới sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sự hiện diện của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. "Bằng việc xác định Trung Quốc là đối thủ, Mỹ đang ép nhiều nước châu Á lựa chọn giữa hai cường quốc", ông nói.
Chiến lược không nêu chi tiết về việc chuyển đổi trọng tâm ưu tiên song điều này có thể sẽ được phản ánh qua các yêu cầu về ngân sách quốc phòng tại Mỹ trong tương lai. Hiện ngân sách hàng năm của Mỹ cho quân đội vẫn cao hơn nhiều so với Trung Quốc và Nga (Mỹ: 587,8 tỷ USD; Trung Quốc: 161,7 tỷ USD; Nga: 44,6 tỷ USD).