Binh lính Hải quân Trung Quốc làm nhiệm vụ canh gác khi công dân nước này lên tàu Lâm Nghi tại cảng ở thành phố Aden, Yemen, năm 2015. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận đã thông báo về kế hoạch xây căn cứ ở Djibouti tới “các nước và tổ chức quốc tế liên quan”. Bắc Kinh nhấn mạnh mục đích của cơ sở này là "tiếp tế cho hoạt động chống cướp biển, nhân đạo và gìn giữ hòa bình".
“Trung Quốc duy trì con đường phát triển hòa bình và chưa bao giờ tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang hoặc bành trướng quân sự. Điều này không bao giờ thay đổi”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định.
Bắc Kinh cho rằng các nước phương Tây "không nên lo lắng với việc Trung Quốc tìm kiếm các tiền đồn quân sự”. Bộ Quốc phòng Trung Quốc lý giải đây là điều các nước phương Tây đã thực hiện trên khắp thế giới nhiều năm qua.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc tránh dùng từ “căn cứ quân sự” để mô tả cơ sở ở Djibouti. Một nguồn tin ngoại giao Trung Quốc giấu tên cho biết ý tưởng về cơ sở tại Djibouti được đưa ra hồi năm ngoái khi hải quân Trung Quốc sơ tán người nước ngoài từ Yemen.
Các tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc phải lấy phần lớn thiết bị tiếp tế ở trên tàu để phục vụ hoạt động cứu hộ. Đó là lý do thúc đẩy Trung Quốc tìm các căn cứ mới. Không giống Mỹ, Trung Quốc không có các căn cứ tiếp tế cố định. “Nó (căn cứ ở Djibouti) hoàn toàn chỉ là cơ sở tiếp tế”, nguồn tin ngoại giao này cho biết.
Ấn Độ lo ngại
Trung Quốc tiến hành xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti, quốc gia châu Phi dưới 1 triệu dân, từ tháng 2. Trung Quốc cho biết muốn biến căn cứ này thành một trung tâm vận chuyển quốc tế. Với vị trí ở rìa phía tây bắc Ấn Độ Dương, Ấn Độ lo ngại Djibouti sẽ trở thành một “chuỗi ngọc trai” khác của Bắc Kinh.
Chiến lược "chuỗi ngọc trai" là các tuyến giao thông hàng hải của Trung Quốc kéo dài đến Sudan, đi qua eo biển chiến lược Mandeb, eo biển Malacca, eo biển Hormuz và eo biển Lombok.
Các quan chức quân đội Ấn Độ cho rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc tại Djibouti sẽ thúc đẩy New Delhi mở rộng kế hoạch dự phòng quân sự. Đến nay Ấn Độ mới chỉ giới hạn hoạt động này trên bộ và trên không do tranh chấp biên giới với Trung Quốc ở dãy Himalaya suốt nhiều thập niên.
Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng do chính phủ Ấn Độ tài trợ, Thiếu tướng Mandip Singh cảnh báo sự xuất hiện của Trung Quốc ở cảng nước sâu Gwadar của Pakistan sẽ tăng cường vai trò của lực lượng hải quân Trung Quốc. Điều này đặt ra mối đe dọa đối với hải quân Ấn Độ.
"Djibouti cũng cho phép Trung Quốc đặt các thiết bị không lực hải quân tầm xa ở đó. Những thiết bị này có khả năng duy trì giám sát trên biển Arab cũng như vùng hải đảo của Ấn Độ ở ngoài khơi bờ biển phía tây”, ông nhấn mạnh.
Các nhà ngoại giao phương Tây nhận định nếu là Ấn Độ, họ sẽ rất lo lắng trước những điều Trung Quốc dự định thực hiện ở Djibouti.
Bất thường
Nhiều nhà quan sát đánh giá thông điệp mới từ Trung Quốc về căn cứ quân sự ở Djibouti là hoàn toàn trái ngược với lập trường hiếu chiến của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trung Quốc nhiều lần lớn tiếng tuyên bố không tìm cách bá quyền bằng việc mở rộng sức mạnh quân sự, gồm cả các căn cứ ở nước ngoài. Tuy nhiên, những hành động thực tế của Bắc Kinh hoàn toàn không cho thấy điều này.
Giờ đây, Trung Quốc đang dùng truyền thông nhà nước để xử lý các mối lo ngại về mục tiêu thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti. “Trung Quốc đang lý giải đây là một phần của chiến lược ‘một vành đai, một con đường’, giúp kết nối Ethiopia tới biển”, một nhà ngoại giao phương Tây nhận xét. Theo truyền thông Trung Quốc, tuyến đường sắt 4 tỷ USD sẽ kết nối thủ đô Addis Ababa của Ethiopia với cảng do Bắc Kinh đầu tư ở Djibouti.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao khác cho rằng tuyên bố mới từ Trung Quốc là động thái “bất thường” của chính phủ nước này nhằm tìm cách thử dư luận và thể hiện sự minh bạch trong kế hoạch. “Trung Quốc không muốn bị xem như mối đe dọa”, nhà ngoại giao giấu tên nói.
Trong phiên họp hàng năm của quốc hội Trung Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nói nước này có thể xây thêm nhiều căn cứ khác trên thế giới. Chính phủ và các công ty Trung Quốc đang hỗ trợ việc xây dựng một số cảng ở châu Phi. Theo nguyên tắc thương mại, các tàu hải quân Trung Quốc có thể neo đậu ở những cảng này trong một ngày.