Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Telegraph |
Bắc Kinh đã tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng năm 2016 ở mức 7-8%. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm trở lại đây, mức tăng kinh phí quân sự dưới 2 con số. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc vẫn đang hướng đến việc mở rộng và hiện đại hóa theo xu hướng tập trung cho không quân, hải quân và tinh gọn lực lượng.
Theo AP, hiện tại, lực lượng mặt đất vẫn chiếm khoảng 73% sức mạnh quân đội Trung Quốc nhưng đang dịch chuyển dần sang không quân và hải quân. Hai lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm chính đối phó với các mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Quốc. Đó là cuộc xung đột có thể xảy ra về việc kiểm soát Biển Đông hoặc ngăn chặn Đài Loan độc lập.
Những mục tiêu trên là động lực chính trong chương trình cải tổ quân đội và cắt giảm 300.000 quân được Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố vào ngày 3/9/2015. Quân số bị giảm chủ yếu ở các đơn vị bộ binh, những người vận hành các hệ thống vũ khí lỗi thời.
Tham vọng kiểm soát bầu trời
Để chiếm ưu thế trên không, Trung Quốc đã đầu tư mạnh để mua tiêm kích Su-27 của Nga sau đó sao chép công nghệ để sản xuất thành phiên bản nội địa J-11.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã cho ra đời các chiến đấu cơ hiện đại tự sản xuất như J-10, nâng cấp máy bay ném bom H-6 với tầm hoạt động xa hơn.
Tiêm kích J-11 của Không quân Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã |
Ngoài ra, Bắc Kinh đang phát triển 2 mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình với tính năng cũng như thời điểm đưa vào sử dụng chưa được xác định. Trung Quốc cũng đang vươn lên hàng ngũ những quốc gia hàng đầu về công nghệ máy bay không người lái (UAV).
Các sản phẩm của Bắc Kinh có thể so sánh được với UAV MQ-1 Predator hay MQ-9 Reaper của Mỹ về khả năng tốc độ cao, thời gian hoạt động dài và tấn công các mục tiêu bằng tên lửa.
Hải quân mới
Tương tự như không quân, sự chuyển mình của Hải quân Trung Quốc cũng không kém phần kịch tính. Hải quân nước này đang chuyển từ một lực lượng tuần tra ven bờ đến khả năng hoạt động tác chiến xa bờ với nhiều tàu chiến hiện đại được bổ sung.
Việc bổ sung đáng kể nhất là đưa vào vận hành tàu sân bay đầu tiên được hoán cải từ sản phẩm chưa hoàn thiện mua của Ukraine. Tàu sân bay được đặt tên là Liêu Ninh, nhưng năng lực hàng không của tàu vẫn chưa được hoàn thiện.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Jane's Defence Weekly |
Bắc Kinh tuyên bố đang đóng tàu sân bay thứ 2 theo công nghệ trong nước. Bên cạnh đóng tàu sân bay, hải quân nước này liên tục tiếp nhận các tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm mới với số lượng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Quá trình hiện đại hóa “chóng mặt” của Hải quân Trung Quốc được cho là để phục vụ cho yêu sách độc chiếm Biển Đông, mở rộng sức mạnh xa bờ, làm gia tăng căng thẳng với Nhật Bản, Mỹ và các quốc gia Đông Nam Á trong tranh chấp chủ quyền.
Kho tên lửa ngày càng nhiều
Lực lượng tên lửa chiến lược Trung Quốc, còn gọi là Quân đoàn pháo binh thứ 2, sở hữu những vũ khí có thể tấn công bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Bắc Kinh hiện có khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Trong đó, mối quan tâm lớn nhất của Hải quân Mỹ là tên lửa đạn đạo chống hạm có thể đánh chìm tàu sân bay Mỹ.
Tên lửa đạn đạo DF-21D trong cuộc diễu binh ngày 3/9/2015. Ảnh: AP |
Ngoài ra, kho tên lửa của Trung Quốc có nhiều loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa đất đối không. Bên cạnh đó, Bắc Kinh tiếp tục xây dựng kho tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và triển khai chúng cách chỉ 160 km ở eo biển Đài Loan. Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ ý định tấn công Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập.
Các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai đang dịch chuyển ngày càng xa lục địa châu Á. Do đó, quân đội Trung Quốc đang hình thành nên hệ thống ngăn chặn sự can thiệp của bên ngoài trong chiến dịch dự phòng chống lại Đài Loan. Bắc Kinh thực hiện điều này chủ yếu dựa vào tên lửa và tàu ngầm cùng chiến tranh mạng để vô hiệu hóa hệ thống chiến đấu công nghệ cao của đối phương.
Để thực hiện điều này, quân đội Trung Quốc đã cơ cấu lại tổ chức để tăng sự hợp tác, phối hợp giữa các lực lượng, thậm chí còn thay đổi một số nguyên tắc chính trị lâu đời. Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, dù Bắc Kinh vẫn không thừa nhận bất kỳ hình thức liên minh lâu dài ở nước ngoài.