Đại diện của Trung Quốc ở hội đồng này nêu quan điểm: "Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng thuộc dự án ID 10561 nằm trong khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Đây là vấn đề nằm trong chương trình nghị sự về ranh giới Trung Quốc - Bhutan. Trung Quốc phản đối và không tham gia quyết định của Hội đồng về dự án này".
Bhutan không có đại diện trực tiếp tại hội đồng này, thay vào đó là Aparna Subramani, quan chức của Ấn Độ ở Ngân hàng Thế giới phụ trách các nước Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal và Sri Lanka.
Trung Quốc tuyên bố Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng là lãnh thổ tranh chấp giữa nước này và Bhutan. Ảnh: World Wildlife Fund. |
Phía Bhutan đã gửi thông điệp đến đại diện phụ trách nước này tại hội đồng, ghi rõ: "Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng là lãnh thổ không thể tách rời và có chủ quyền của Bhutan".
Tại cuộc họp, đại diện cho Bhutan nêu quan điểm: "Bhutan hoàn toàn bác bỏ yêu sách của thành viên Trung Quốc tại Hội đồng. Khu bảo tồn động vật hoang dã Sakteng là lãnh thổ không thể tách rời, có chủ quyền của Bhutan. Trong các cuộc thảo luận về ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc không hề đề cập đây là khu vực tranh chấp".
Trên thực thế, từ trước tới nay chưa có vụ tranh chấp nào đối với khu bảo tồn này, dù ranh giới giữa Bhutan và Trung Quốc vẫn chưa được phân định.
Từ trước tới nay, khu bảo tồn động vật hoang dã này chưa bao giờ được nhận tài trợ quốc tế. Đây là lần đầu tiên khu bảo tồn Sakteng được đưa vào dự án mang tính toàn cầu, và Trung Quốc đã ngay lập tức coi đây là cơ hội để tuyên bố yêu sách đối với khu vực này, theo India Today.
Dù bị Trung Quốc phản đối, hầu hết thành viên hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu vẫn tán thành và đưa dự án vào bản tóm tắt cuối cùng của kỳ họp thứ 58. Bhutan từ chối yêu sách của Trung Quốc và hội đồng đã thông qua tài trợ cho Khu bảo tồn Động vật hoang dã Sakteng.