Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TQ điều tra công ty dược sau cái chết của bé gái 4 tuổi bị ung thư

Tập đoàn dược Quyền Kiện của Trung Quốc đang đối mặt với sự kiểm tra gắt gao từ chính quyền sau cái chết của bé gái 4 tuổi điều trị ung thư bằng phương pháp của công ty này.

Sau 14 năm kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tập đoàn Quyền Kiện có trụ sở tại thành phố cảng Thiên Tân đang hứng chịu cuộc khủng hoảng lớn khi nhiều người Trung Quốc quyết tẩy chay công ty này vì liên quan tới cái chết của một bé gái 4 tuổi bị ung thư.

Họ kêu gọi chính phủ điều tra kỹ lưỡng các sản phẩm và phương thức kinh doanh của Quyền Kiện, được cho là hoạt động một phần theo mô hình đa cấp.

Cong ty Quyen Kien Trung Quoc anh 1
Một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của tập đoàn Quyền Kiện với logo của hãng này. Ảnh: Reuters.

Cái chết đáng thương của cô bé 4 tuổi

Mọi chuyện bắt đầu khi trang web tư vấn sức khỏe nổi tiếng Trung Quốc Dingxiang Yisheng, hay còn gọi là Doctor Clove, công bố câu chuyện về một bé gái 4 tuổi bị ung thư có tên Thái Dương. Trang web này cho biết mặc dù cô bé đã chết vì bạo bệnh nhưng công ty Quyền Kiện vẫn sử dụng hình ảnh của bé trên bao bì sản phẩm của mình.

Trả lời phỏng vấn South China Morning Post, cha của Thái Dương cho biết rất hối hận vì đã quyết định đưa bé ra khỏi bệnh viện để điều trị bằng "những đơn thuốc bí mật mờ ám" của tập đoàn Quyền Kiện.

Thái Dương bị chuẩn đoán mắc một chứng bệnh hiếm gặp vào năm 2012 có tên gọi sacrococcygeal teratoma, khiến cho cô bé có khối u ở xương cụt. Sau nhiều ca phẫu thuật và hóa trị, tình trạng của bé vẫn không mấy tiến triển.

Sau khi trường hợp của bé được đài CCTV đưa lên truyền hình, cha của Thái Dương cho biết một số người đã liên lạc với ông, theo ông thì những người này là đại diện của tập đoàn Quyền Kiện.

Cha của bé kể lại ông được đưa đến gặp Thụy Dục Huy, giám đốc điều hành tập đoàn Quyền Kiện, ông Thụy nói công ty đã tìm ra phương thức bí mật có thể chữa bệnh ung thư.

Sau đó cha bé Thái Dương mua vài loại bột và một thức uống thảo mộc với giá 5.000 nhân dân tệ (730 USD) mà không có thông tin chi tiết gì về những sản phẩm này.

Phía Quyền Kiện yêu cầu bé gái từ bỏ tất cả những phương thức điều trị hiện tại để tập trung duy nhất vào thứ thuốc thảo mộc này. Người cha kể lại: "Họ nói rằng con bé sẽ khỏi bệnh".

Nhưng điều đó không hề xảy ra, sau vài tháng sử dụng loại thuốc mới, tình trạng của Thái Dương xấu đi và gia đình phải đưa bé trở lại bệnh viện, cô bé qua đời vào năm 2015.

Cha của bé khởi kiện Quyền Kiện nhưng không thể chứng minh công ty phải chịu trách nhiệm cho việc quảng cáo sai lệch. Ông cũng không thể thuyết phục tập đoàn gỡ bỏ hình ảnh con gái mình trên bao bì sản phẩm của hãng sau khi cô bé đã chết.

Cong ty Quyen Kien Trung Quoc anh 2
Thụy Dục Huy, giám đốc điều hành của tập đoàn Quyền Kiện. Ảnh: Baidu.

Tập đoàn khổng lồ

Nhà chức trách Trung Quốc nhanh chóng phản ứng sau bài viết được đăng trên trang Doctor Clove, tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức với các cáo buộc chống lại tập đoàn Quyền Kiện, trong đó bao gồm việc quảng cáo sai lệch và hoạt động theo mô hình đa cấp. Các trang thương mại điện tử ngay lập tức cũng dỡ bỏ các sản phẩm của Quyền Kiện.

Tất cả những gì liên quan đến tập đoàn này đang được theo dõi gắt gao bởi chính quyền và người tiêu dùng.

Vào ngày 1/1, một quan chức tôn giáo địa phương cho biết chính quyền đang cân nhắc dỡ bỏ bức tượng Phật mạ vàng cao 10 mét ở một khách sạn thuộc sở hữu của tập đoàn Quyền Kiện ở thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô. Quan chức này cho biết bức tượng chưa được cấp phép bởi chính quyền địa phương.

Khách sạn này cũng được sử dụng làm trụ ở phía đông của tập đoàn, và bên trong là tổ hợp với công viên, khu vui chơi và trung tâm triển lãm cùng một nhà hàng lớn thuộc sở hữu của Quyền Kiện.

Đế chế Quyền Kiện đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực trong vòng 14 năm qua bao gồm việc sản xuất những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thuốc thảo dược, thể thao và tài chính. Bên cạnh những khách sạn, Quyền Kiện sở hữu một câu lạc bộ bóng đá lớn (CLB Thiên Tân Quyền Kiện, đang thi đấu ở giải bóng đá cao nhất Trung Quốc), một CLB cưỡi ngựa và một bệnh viện ung bướu.

Cong ty Quyen Kien Trung Quoc anh 3
Khách sạn với bức tượng phật cao 10 mét tại thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô thuộc sở hữu của tập đoàn Quyền Kiện. Ảnh: Baidu.

Những sản phẩm chăm sóc sức khỏe nổi tiếng của tập đoàn này bao gồm một miếng lót giày "thần kỳ", được quảng cáo là có thể "giữ cân bằng xương của bạn", và một miếng ion được công ty tuyên bố có thể chữa trị những bệnh phụ khoa.

Quản lý hời hợt

Chăm sóc sức khỏe là một ngành kinh doanh béo bở ở Trung Quốc. Một báo cáo gần đây của Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nước này cho biết có 2.317 công ty được cấp giấy phép để kinh doanh loại sản phẩm này.

Nhưng đi cùng với đó là nhiều vấn đề, cũng cơ quan này phải nhận 26.966 lời phàn nàn từ người tiêu dùng về sản phẩm chăm sóc sức khỏe vào năm 2016, 705 trường hợp đã bị điều tra.

Truyền thông Trung Quốc cũng nêu lên tình trạng người cao tuổi nước này tiêu hết số tiền dành dụm của họ cho các sản phẩm sức khỏe. Có hàng trăm công ty không bị kiểm tra hay đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng.

Nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là những người cao tuổi, không có niềm tin vào các phương thức Tây y mà thay vào đó lựa chọn các loại thuốc thảo mộc tự nhiên và cách điều trị Đông y cho các vấn đề sức khỏe của mình.

Kể từ khi còn trẻ, Tùng Sa đã thấy mẹ mình chi hàng nghìn tệ cho các viên thuốc và thuốc bột từ những công ty sản xuất thảo dược. Ban đầu thì mọi thứ không quá nghiêm trọng, nhưng có lúc mẹ của cô chi tới 68 tệ cho một vỉ kem đánh răng, gấp 10 lần giá thông thường chỉ vì nghe quảng cáo rằng loại kem đánh răng này hiệu quả hơn các sản phẩm tương tự.

Tùng Sa đang sống tại thành phố Thường Đức, tỉnh Hồ Nam và cho biết gia đình cô đang phải đối mặt cuộc chiến sống còn với niềm tin của mẹ cô về các loại thuốc thảo dược không được kiểm chứng.

Người phụ nữ 30 tuổi cho biết: "Mẹ tôi đã bị chuẩn đoán ung thư phổi một thời gian, nhưng từ chối đến bệnh viện điều trị. Bà ấy nói rằng các sản phẩm thảo dược giúp bồi bổ dinh dưỡng, và đến bệnh viện thì chỉ tốn tiền".

Tùng Sa đã cố gắng trong nhiều năm để thuyết phục mẹ mình thay đổi quan niệm, nhưng niềm tin của bà vào các loại thuốc thảo dược chỉ ngày càng tăng lên. Cô kể lại việc từng gặp cảnh mẹ mình tự đâm kim vào bàn chân vì được nói rằng việc chảy một chút máu sẽ giúp đẩy lùi bệnh tật.

"Chẳng có cách nào để cứu họ, không có cách nào hiệu quả", người phụ nữ than thở.

Ông Lê, một luật sư chuyên về an toàn thực phẩm tại Bắc Kinh cho rằng những người như mẹ của Tùng Sa dễ trở thành nạn nhân của việc quảng cáo sai sự thật bởi một số công ty về sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Lĩnh vực này cũng thiếu sự giám sát của các cơ quan chức năng.

Cong ty Quyen Kien Trung Quoc anh 4
Hình ảnh chụp lại một buổi quảng cáo sản phẩm của Quyền Kiện. Ảnh: SCMP.

Tại Trung Quốc, thuốc và thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm ăn kiêng được sản xuất và quản lý với những tiêu chuẩn khác nhau. Theo quy định, Bộ Y tế Trung Quốc định nghĩa loại sản phẩm này là "thực phẩm có lợi cho sức khỏe, phù hợp với một nhóm người nhất định, nhưng không có khả năng trị bệnh".

Trên lý thuyết, các công ty phải quảng cáo sản phẩm của mình theo quy định này, nhưng trên thực tế mọi thứ diễn ra hết sức lộn xộn. Những công ty như Quyền Kiện đã hoạt động trong nhiều năm vì thiếu sự quản lý và thẩm quyền chồng chéo của các cơ quan chức năng.

Ông Lê cho biết: "Thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe thuộc thẩm quyền quản lý của Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm. Nhưng việc quảng cáo sản phẩm này ở nơi công cộng như nhà thuốc thì lại thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại."

"Khi quảng cáo xuất hiện trên TV hoặc mạng xã hội, lúc đó thẩm quyền lại thuộc về Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin".

"Trên thực tế, những cơ quan này đá quả bóng cho nhau", ông Lê nhận định.

Tiền mất, tật mang, khổ vì đa cấp

Ông Lê cho biết mô hình kinh doanh của các tập đoàn như Quyền Kiện cũng đang bị nghi ngờ là hoạt động đa cấp. Vì mặc dù cho phép bán hàng trực tiếp, ranh giới giữa việc này và bán hàng đa cấp là rất nhỏ vì nhiều người được khuyến khích tuyển dụng "thành viên" để đổi lấy tiền thưởng hoặc các lợi ích khác.

Truyền thông Trung Quốc đã nêu lên nhiều trường hợp những người mất tiền liên tục vì trở thành thành viên của mô hình này, sau đó cố gắng thu nạp người thân và bạn bè vào các lớp học và khóa đào tạo, trong đó người giảng dạy liên tục khẳng định công dụng của sản phẩm.

Trong vài trường hợp, truyền thông Trung Quốc đưa tin một số công ty đa cấp còn giam giữ thành viên trái phép, bắt họ phải tham dự các khóa học, ăn uống ngủ nghỉ dưới sự giám sát. Điện thoại bị tịch thu và các "thành viên" này không được phép liên lạc với gia đình hoặc đi lại một mình.

Việc tập đoàn Quyền Kiện có hoạt động theo mô hình đa cấp hay không vẫn đang được nhà chức trách Trung Quốc điều tra. Vào năm 2017 tại Việt Nam, công ty TNHH Quyền Kiện Việt Nam được cho là có dấu hiệu bán hàng đa cấp với miếng lót giày nổi tiếng được bán với giá 4,6 triệu đồng.

Tại Trung Quốc vào lúc này, vẫn có nhiều người bày tỏ tin tưởng vào sự hiệu quả của các phương thuốc đến từ tập đoàn Quyền Kiện. 

Hà Tiểu Lan, một phụ nữ quê ở Hàng Châu đang nằm trên giường bệnh nhưng vẫn cho rằng có một lý do nào đó khiến cho thứ thuốc của Quyền Kiện chưa thể chữa được căn bệnh của bà.

"Sản phẩm của họ có thể đạt hiệu quả khác nhau với những người có tình trạng khác nhau", bà Hà nói.

Bà Hà được chuẩn đoán mắc hội chứng Sjogren, một rối loạn miễn dịch khiến cho các tuyến tiết dịch và miệng bị khô. Bà được các bác sĩ yêu cầu điều trị bằng phương pháp hormone nhưng sau khi trao đổi với các đại diện của Quyền Kiện, bà quyết định mua loại bột nấm linh chi của hãng này.

Tình trạng của bà tệ đi cách đây một tháng và những người bạn của bà Hà đã phải dùng vũ lực để đưa bà tới bệnh viện. Một người bạn của bà là ông Sẩm, cho biết bà Hà đã chi hàng nghìn NDT mỗi tháng cho sản phẩm của Quyền Kiện bằng cách thanh toán qua điện thoại.

"Quyền Kiện đã hủy hoại rất nhiều người", ông Sẩm nhận định.

Cong ty Quyen Kien Trung Quoc anh 5
Hình ảnh của bé Thái Dương được sử dụng trên bao bì sản phẩm của tập đoàn Quyền Kiện. Ảnh: SCMP.

Thái độ của ông cũng đang là thái độ chung của nhiều người Trung Quốc với Quyền Kiện. Rất nhiều người chia sẻ trải nghiệm của họ với sản phẩm Quyền Kiện lên mạng xã hội và kêu gọi cơ quan quản lý điều tra tận gốc các hoạt động của tập đoàn này chứ không để mọi chuyện chìm xuồng.

Cha của bé Thái Dương chia sẻ: "Tôi hi vọng lần này Quyền Kiện sẽ phải nhận hình phạt mà họ xứng đáng phải chịu, để con gái tôi có thể yên nghỉ. Công lý cũng sẽ được thực thi với hàng trăm ngàn nạn nhân khác".

Mỹ và chiến dịch săn tìm các gián điệp Trung Quốc

Chính phủ Mỹ thời gian qua liên tục nhấn mạnh mối đe dọa an ninh từ tình báo Trung Quốc và truy tố nhiều điệp viên của Bắc Kinh, cho thấy cuộc chiến tình báo đang đến hồi gay cấn.

Cướp xe bus lao vào đám đông làm 5 người chết ở Trung Quốc

Chiếc xe bus lao vào đám đông người đi bộ khiến ít nhất 5 người chết, trong đó có một cảnh sát, và hàng chục người bị thương sau khi tài xế bị đâm bằng dao.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm