"Đảo Điếu Ngư và các hòn đảo lân cận là một phần của lãnh thổ Trung Quốc từ thời xa xưa. Đây là một sự thật lịch sử không thể thay đổi", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố ngày 4/2.
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ có thái độ trách nhiệm, ngưng đưa ra những phát ngôn sai lầm, tránh làm tình hình thêm phức tạp và gây mất ổn định khu vực", AFP dẫn phát ngôn của ông Lục.
Máy bay trinh sát của Nhật bay ngang qua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Tokyo đang kiểm soát còn Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Ảnh: AFP. |
Trước đó, cùng ngày 4/2, trong chuyến thăm Nhật Bản, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố Mỹ sẽ thay mặt Nhật để bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Đây là hòn đảo tranh chấp Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp nhau, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trong khi Tokyo kiểm soát và gọi là Senkaku.
"Tôi làm rõ về chính sách lâu dài của chúng tôi tại Senkaku - Mỹ sẽ tiếp tục công nhận quyền kiểm soát của Nhật tại hòn đảo này", ông Mattis nói.
"Và Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật sẽ được thực thi", bộ trưởng quốc phòng Mỹ tuyên bố. Điều 5 của hiệp ước an ninh ghi rõ cam kết của Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản và các vùng lãnh thổ chính phủ Nhật kiểm soát khỏi mọi cuộc tấn công.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp ngày 3/2 tại Tokyo. Ảnh: Getty. |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật là một sản phẩm của thời Chiến tranh Lạnh và không nên làm ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Senkaku/Điếu Ngư nằm trên vùng biển với nguồn tài nguyên hải sản dồi dào. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều thường xuyên điều máy bay chiến đấu đến đây. Trên mặt biển, tàu cảnh sát biển và các phương tiện khác của hai nước cũng thường xuyên "hăm he" nhau.
Ông James Mattis, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ trong chính quyền Tổng thống Donald Trump, vừa nhậm chức hôm 20/1. Chuyến công du đầu tiên của ông có điểm đến là Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 đồng minh của Washington tại châu Á.