Hong Kong được coi là thành phố tự do nhất tại Trung Quốc. Thuộc địa cũ của Anh đã phải vật lộn với Bắc Kinh kể từ khi chuyển giao chủ quyền cho chính phủ Trung Quốc vào năm 1997 để bảo vệ quyền tự do dân chủ và cách sống tư bản chủ nghĩa theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống”.
Người dân Hong Kong tổ chức biểu tình nhằm phản đối sự áp đặt của Trung Quốc. Ảnh: Inquier. |
Tuy nhiên, trong năm qua, việc các nhà hoạt động dân chủ thúc đẩy các cuộc biểu tình - một phần của chiến dịch lựa chọn ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo kế tiếp của Hong Kong vào năm 2017 - khiến giới lãnh đạo Trung Quốc “nóng mặt” vì lo ngại việc phe đối lập ở Trung Quốc lên nắm quyền lãnh đạo thành phố.
Theo Reuters, hôm 10/6, Hội đồng nhà nước Trung Quốc nhắc lại trong một tuyên bố rằng, dù Hong Kong có quyền tự chủ rộng rãi nhưng nó phải kèm theo sự kiểm soát của Trung Quốc cũng như nằm trong giới hạn của sự tự do.
“Mức độ tự chủ cao ở Hong Kong không phải là quyền tự chủ đầy đủ cũng không phải quyền lực phi tập trung. Các vấn đề tại địa phương phải do bộ máy trung ương quyết định”, chính phủ Trung Quốc cho biết trong một thông báo.
Nhiều người Hong Kong coi báo cáo của cơ quan quản lý cao nhất của Trung Quốc như một cảnh báo đối với chiến dịch ủng hộ nền dân chủ tại đây. Một nhóm các nhà hoạt động Hong Kong đã lên kế hoạch khởi động một cuộc trưng cầu dân ý trực tuyến về cải cách chính trị ngày 22/6 tới trước khi tổ chức biểu tình.
Làn sóng bất mãn của người dân trước một Trung Quốc ngày càng áp đặt và không ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của bán đảo đã thể hiện qua các cuộc biểu tình hồi năm ngoái tại Đài Loan và Hong Kong.