Nguồn cá dần cạn kiệt và đa dạng sinh học suy giảm trên dòng sông dài 6.300 km là nguyên nhân khiến chính phủ Trung Quốc quyết định lệnh cấm đánh bắt cá theo mùa là chưa đủ.
Lệnh cấm đánh bắt cá trên sông Dương Tử trong 10 năm có hiệu lực từ ngày 1/1, áp dụng với 332 khu bảo tồn dọc sông. Nó cũng được áp dụng mở rộng với các nhánh sông chính của sông Dương Tử trong 1 năm tới.
“Dương Tử là con sông lớn trên thế giới (dài thứ 3 thế giới) và có các loài thủy sinh đa dạng. Nó cũng là lá chắn quan trọng bảo vệ hệ sinh thái của nước ta, cũng như góp phần bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực”, Yu Zhenkang, Thứ trưởng Nông nghiệp và Các vấn đề nông thôn Trung Quốc, cho biết hôm 1/1, theo Tân Hoa xã.
“Cấm đánh bắt cá là biện pháp quan trọng để ngăn chặn sự suy giảm hệ sinh thái của sông cũng như bất kỳ sự suy giảm đa dạng sinh học nào”, ông Yu cho biết.
Ông nói thêm rằng việc xây đập, tình trạng ô nhiễm, đánh bắt quá mức, vận chuyển hàng hóa trên sông và nạo vét sông đã khiến các loài thủy sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả là, quần thể các loài quý hiếm như cá tầm Trung Quốc trên sông Dương Tử bị đe dọa nghiêm trọng.
Phát biểu tại một hội nghị phát triển khu vực tháng 4/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo rằng sông Dương Tử đã suy giảm đến mức chỉ số đa dạng sinh học của nó “không thể tệ hơn” và có thể tệ đến mức “không có cá”.
Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên các khu vực chủ chốt của sông Dương Tử từ ngày 1/1/ Ảnh: Shutterstock. |
Cao Wenxuan, nhà sinh vật biển học từ Viện Sinh vật học thủy sinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, đã vận động cho lệnh cấm đánh bắt trên từ những năm 2000. Ông nói rằng lệnh này rất cần thiết và đem lại hy vọng số lượng cá có thể phục hồi lại.
“Khi chúng ta nói về tình trạng sông Dương Tử ‘không có cá’ thì không hàm ý rằng nó không còn một con cá nào, mà có nghĩa số lượng cá đang bị suy giảm khủng khiếp”, ông Cao nói. “Cá có ít hơn rất nhiều so với nhiều thập kỷ trước. Hơn nữa, cá hiện tại nhỏ hơn và bé hơn trước rất nhiều”.
Theo Tân Hoa xã, sự suy thoái của hệ sinh thái sông Dương Tử đã ảnh hưởng đáng kể đến ngành công nghiệp đánh bắt cá Trung Quốc. Trở lại năm 1954, sản lượng đánh bắt hàng năm ở sông Dương Tử vào khoảng 427.000 tấn nhưng trong những năm gần đây, con số chỉ còn dưới 100.000 tấn.
Yuan Wenbing, ngư dân 49 tuổi ở huyện Dư Can, tỉnh Giang Tây, nói rằng ông thường bắt được cá 35 kg vào đầu những năm 1990. Bây giờ, ông không còn bắt được con nào quá 5 kg. “Trước đây, tôi bắt được hơn 20 con cá nóc một ngày nhưng tôi đã không nhìn thấy con nào suốt 10 năm nay”, ông Yuan bộc bạch.
Nhà sinh vật biển học cho biết trữ lượng cá suy giảm nghiêm trọng cũng một phần do ngư dân sử dụng lưới mắt nhỏ, chất nổ và xung điện để đánh bắt cá.
Ông Cao cho rằng việc đánh bắt quá mức đã làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường.
Lệnh cấm dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 280.000 ngư dân dọc sông Dương Tử.