Trong nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Oceanography, 17 nhà khoa học từ Mỹ, Canada và Na Uy cho biết số lượng cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đã giảm từ 482 cá thể vào năm 2010 xuống còn 411 như hiện nay. Các chuyên gia lý giải nguyên nhân là nhiệt độ đại dương tăng vào năm 2010 khiến nguồn cung thức ăn của cá voi sụt giảm.
Cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương chủ yếu ăn Calanus finmarchicus, một loài giáp xác nhỏ, ở Vịnh Maine ngoài khơi bờ biển Mỹ. Khi nước biển nóng lên, loài giáp xác này di chuyển khu vực sinh sống khiến cá voi phải di chuyển theo, tiến gần hơn đến các tuyến đường vận tải biển và các khu vực có hoạt động của con người.
Số lượng cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương đang sụt giảm vì đại dương nóng lên. Ảnh: AP. |
Guardian trích dẫn nghiên cứu cho biết "sức khỏe của các cá thể cá voi trơn hiện không đảm bảo và chúng phải mất nhiều thời gian hơn để kiếm thức ăn. Điều này khiến cá voi phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn và tỷ lệ tử vong cũng tăng lên".
Các nhà khoa học nhận định đây là dấu hiệu cho thấy loài động vật này chưa thể thích ứng với sự thay đổi của môi trường sống. Ngoài ra, tình trạng nước biển nóng lên nhanh chóng ở Vịnh Maine có thể trở thành đặc điểm phổ biến của các đại dương khác trong tương lai.
Cá voi trơn Bắc Đại Tây Dương thường sinh sản ngoài khơi bang Georgia và Florida, Mỹ, vào mùa đông trước khi đến kiếm ăn ở Vịnh Maine, nơi tiếp giáp với bang Massachusetts, New Hampshire, Maine và Canada, vào mùa xuân và mùa hè.
Vốn hiền lành và di chuyển chậm, loài cá voi này dễ dàng trở thành mục tiêu săn bắt, khiến số lượng cá thể từng giảm sút nghiêm trọng vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Từ năm 1935, săn bắt cá voi trơn bị cấm ở Mỹ.
Trong một thập kỷ qua, cá voi trơn là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới. Ít nhất 17 cá thể cá voi trơn đã chết trong năm 2017 và không con non nào được sinh ra trong năm 2018.