Khi tổng thống Mỹ tập hợp các cố vấn kinh tế hàng đầu của mình tại Nhà Trắng để quyết định có nên thỏa thuận với Trung Quốc hay không, Peter Navarro, cố vấn thương mại diều hâu ông Trump, đã chuẩn bị một loạt các lập luận chống lại động thái này.
Một thỏa thuận dỡ bỏ bất kỳ loại thuế quan nào Tổng thống Trump đã áp lên Trung Quốc sẽ khiến cho nước Mỹ bị yếu thế đi là lập luận của ông Navarro trong cuộc họp 2 tuần trước. Tại đó, ông đã công kích những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa.
Đó là luận điệu quen thuộc của cố vấn thương mại hàng đầu của tổng thống, người đã dành 3 năm qua để thiết kế các chính sách bảo hộ thương mại và thúc đẩy ông Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
"Trung Quốc ăn cắp vô tội vạ từ Mỹ"
Những cảnh báo bi quan của cố vấn Navarro về tham vọng của Trung Quốc và mối đe dọa nước này gây ra với Mỹ đã hối thúc ông Trump sử dụng biện pháp thuế quan để đối phó với Bắc Kinh, bất chấp sự phản đối của các cố vấn cấp cao khác.
Tuy nhiên, lần này, ông Trump đã không bị thuyết phục. Khi cuộc bầu cử 2020 đang đến gần, ông đã gạt sang một bên những lo ngại của cố vấn diều hâu để tiến đến thỏa thuận giai đoạn 1 với Bắc Kinh. Trong đó, Washington dừng áp thuế mới và giảm thuế một vài mặt hàng Trung Quốc để đổi lấy cam kết mua thêm hàng hóa Mỹ từ Bắc Kinh.
“Thỏa thuận với Trung Quốc là một thỏa thuận rất lớn”, ông Trump nói trong một sự kiện tại Nhà Trắng vừa qua. “Và tôi không phải là người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa”.
Peter Navarro, cố vấn thương mại hàng đầu của Tổng thống Trump, người có ảnh hưởng đến chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. Ảnh: Getty. |
Ông Navarro từ chối bình luận về chương trình nghị sự của cuộc họp. “Những gì xảy ra trong Phòng Bầu dục nên ở lại trong Phòng Bầu dục, cả vì sự tôn nghiêm và an ninh của đất nước”, ông nói.
Trong 3 năm qua, cố vấn Navarro, 70 tuổi, được biết đến như “chiến binh thương mại” của Tổng thống Trump, người thúc đẩy ông chủ Nhà Trắng xé bỏ các thỏa thuận thương mại để viết lại theo hướng có lợi hơn cho người lao động Mỹ.
Là một học giả có ít kinh nghiệm trong chính trường và kinh doanh, ông Navarro vẫn gây ảnh hưởng to lớn lên chính sách thương mại của Mỹ bằng cách nắm thóp được sự chán ngán của ông Trump với xu hướng toàn cầu hóa và thổi phồng việc “Trung Quốc đang ăn cắp vô tội vạ từ Mỹ”.
Lập trường có ảnh hưởng sâu sắc
Các chuyên gia Trung Quốc nhìn nhận quan điểm của ông Navarro một cách thận trọng, người không nói tiếng Trung và chỉ thăm nước này một lần. Ngay cả các đồng nghiệp của Navarro cũng không hài lòng với cách tiếp cận căng thẳng của ông với Trung Quốc và nhiều lần đã cố gắng ngăn ông đề xuất lên tổng thống.
Tuy nhiên, lập trường của Navarro đã có ảnh hưởng sâu sắc. Ngay cả những người bất đồng chính kiến ngày càng phải thừa nhận rằng ông có tầm nhìn xa.
Trong khi Tổng thống Trump có xu hướng hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc và hoàn tất thỏa thuận thương mại với Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc thì Navarro đang tìm kiếm một cuộc chiến mới.
Ông Navarro có vị thế trong Nhà Trắng và thường được Tổng thống Trump tín nhiệm chọn là người đồng hành trong các cuộc tiếp xúc quan trọng. Ảnh: New York Times. |
Ông theo đuổi một loạt chính sách nhằm kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, bao gồm tăng cường kiểm tra các kiện hàng của Trung Quốc tại các cảng và đàm phán lại phí bưu chính đối với Trung Quốc.
Ông Navarro là giáo sư ngành kinh doanh tại Đại học California, Irvine và đã 5 lần thất bại các cuộc chạy đua vào đảng Dân chủ và thị trưởng San Diego.
“Ông ấy đã thay đổi đáng kể khi thể hiện bản thân trong lĩnh vực chính trị ở San Diego”, Doug Case, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ San Diego, nhận định. “Có vẻ như con người thực sự của ông ấy đã bộc lộ ra”.
Người cứng rắn với Trung Quốc
Navarro bắt đầu hoài nghi Trung Quốc vào những năm 1970 khi ông là một tình nguyện viên của Quân đoàn Hòa bình (Peace Corps), một chương trình tình nguyện của chính phủ Mỹ, đến hoạt động ở Thái Lan. Ông đã đi du lịch nhiều nơi ở châu Á và quan sát được tác động tiêu cực của Trung Quốc gây ra cho nền kinh tế của các nước láng giềng.
Ông bắt đầu chỉ trích cách thức hoạt động thương mại của Trung Quốc tác động đến Mỹ sau khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Và đặc biệt sau khi nhiều sinh viên của ông phàn nàn bị mất việc làm do cạnh tranh từ Trung Quốc.
Quan điểm của Navarro dần trở nên cứng rắn và ông bắt đầu xuất bản những cuốn sách “chống Trung Quốc” như “Cuộc chiến sắp tới với Trung Quốc” (The Coming China Wars) và “Chết dưới tay Trung Quốc” (Death By China) - cuốn sách được ông Trump liệt kê là một trong những cuốn sách yêu thích năm 2011.
Ông Trump đã áp thuế lên kim loại nhập khẩu và hàng hóa Trung Quốc theo đề xuất của ông Navarro. Ảnh: Getty |
Trong cuốn sách này, Navarro và đồng tác giả Autry đã chỉ trích Trung Quốc vì những hành vi kinh tế “vô đạo đức” và sản xuất các sản phẩm chết người như quần yếm em bé dễ cháy và viagra giả. Cả hai cũng đổ lỗi cho các công ty đa quốc gia như Walmart vì sử dụng nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ khiến các nhà sản xuất Mỹ điêu đứng.
Quan điểm của Navarro đã thu hút sự chú ý của ứng cử viên Donald Trump, người có quan điểm tương tự về tác động của Trung Quốc đối với nền sản xuất của Mỹ và đang tìm kiếm trợ thủ đắc lực.
Navarro đã tham gia chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của ông Trump với tư cách cố vấn kinh tế vào năm 2016 và nhanh chóng giành được sự tin tưởng. Ông Trump gọi Navarro là “người cứng rắn với Trung Quốc của tôi”.
“Toàn bộ triết lý của tôi trong cuộc sống và trong công việc giống như quy tắc của Gretzky (huyền thoại khúc côn cầu) là trượt trước đón đầu nơi bóng đến như việc tiên liệu trước những vấn đề mà tổng thống muốn giải quyết để xử lý chúng”, ông Navarro nói trong một cuộc phỏng vấn.