Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TPP sẽ được ký kết vào tháng 2 năm sau

12 nước thành viên đạt thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi tháng 10 dự kiến sẽ ký kết văn bản hiệp định vào đầu tháng 2 năm sau.

Các bộ trưởng tham gia đàm phán TPP. Ảnh: AFP>

Tiếp nối thỏa thuận đạt được sau hơn 5 năm đàm phán, 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã công bố văn bản hiệp định TPP hồi tháng 11. Theo Japan Times, việc ký kết dự kiến được thực hiện vào đầu tháng 2/2016.

Bộ trưởng và lãnh đạo các nước thành viên TPP sẽ tham dự buổi lễ ký kết. Các quốc gia đang thảo luận về địa điểm tổ chức. 

Nếu có ít nhất 6 nước phê chuẩn và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của những nước phê chuẩn chiếm trên 85% GDP của tất cả các nước TPP thì hiệp định sẽ có hiệu lực giữa những nước đó. Tháng trước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết chính phủ sẽ cố gắng thúc giục quốc hội phê chuẩn càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương chính là cuộc đua tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra tháng 11/2016. Các nhà lãnh đạo của quốc hội Mỹ đã lên tiếng quan ngại rằng TPP có thể sẽ không được cơ quan lập pháp thông qua tới sau cuộc bầu cử.

Bất đồng trong nội bộ Mỹ - trở ngại ký kết TPP

Các cuộc tranh luận nhằm giành sự ủng hộ của cử tri trong quá trình chạy đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ gây nhiều trở ngại cho TPP. Một số ứng viên tổng thống của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ phản đối Quốc hội thông qua hiệp định thương mại này, Wall Street Journal đưa tin.

Ông Gary Hufbauer, chuyên gia thương mại cao cấp tại Viện Peterson về kinh tế quốc tế, cho biết: “Những quan điểm tiêu cực về TPP gây nhiều trở ngại cho nhóm liên minh của các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ đang nỗ lực để hiệp định này được thông qua vào năm sau. Quốc hội Mỹ sẽ rất để ý tới quan điểm của những người có thể trở thành tổng thống nhiệm kỳ tới”.

Ứng viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: Reuters

Trong đảng Dân chủ, Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra các chỉ trích nhằm vào TPP trước khi nó được thông qua vào tháng 11. Theo các chuyên gia đánh giá, động thái này của bà Clinton nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ các nhóm cử tri là người lao động cũng như làm giảm sự chú ý của các đối thủ cùng đảng là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont và Cựu thống đốc bang Maryland Martin O'Malley, những người kịch liệt phản đối TPP.

Về phía đảng Cộng hòa, những người ủng hộ TPP gặp nhiều thách thức hơn khi tỷ phú Donald Trump dùng những từ ngữ nặng nề để mô tả hiệp định này trong chiến dịch tranh cử. Ứng viên đang được ủng hộ nhiều nhất của đảng Cộng hòa gọi TPP là hiệp định “khủng khiếp” và nói rằng ông sẽ làm mọi cách để phá vỡ nó.

Ted Cruz, ứng viên đang xếp ở vị trí thứ 2 trong cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa cũng tỏ rõ quan điểm phản đối với TPP. Thượng nghị sĩ Marco Rubio, người từng bỏ phiếu trao quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama hồi tháng 6 thì tỏ ra phân vân trong việc ủng hộ TPP trong năm 2016.

Chuyển hướng ủng hộ?

TPP là hiệp định nhằm hạ thấp rào cản thương mại giữa 12 nước thành viên. Nó tạo ra cả cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp của từng quốc gia. Theo các nhà kinh tế, TPP giúp nhiều người Mỹ giàu lên, GDP tăng cao nhờ cải thiện tổng thể nền kinh tế. Nhưng nó cũng khiến nhiều người mất việc, một số công ty phá sản vì nguồn nhân công và hàng hóa cạnh tranh từ nước ngoài.

Tuy nhiên, theo kết quả một thăm dò của Wall Street Journal/NBC News, 56% cử tri đảng Dân chủ và 48% cử tri đảng Cộng hòa đánh giá TPP có lợi.

Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton ủng hộ mạnh mẽ TPP. Các chuyên gia dự đoán, bà Clinton và ông Cruz có thể sẽ đưa ra những quan điểm thân thiện hơn sau khi kết thúc cuộc đua quyền lực vào Nhà Trắng.

Trong cuộc đua quyền lực năm 2008, cả bà Clinton và ông Obama đều chỉ trích các hiệp định thương mại tương tự TPP. Tuy nhiên, trên cương vị tổng thống và ngoại trưởng Mỹ, cả hai người đều chuyển hướng ủng hộ chúng.

12 thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 5/10 tại Atlanta, Mỹ. TPP được xem là hiệp định thương mại tham vọng nhất của thế kỷ 21 bởi thông qua thỏa thuận này, hàng rào thuế quan được nới lỏng, từ đó giảm đáng kể chi phí thương mại giữa các bên.

Ngoài Nhật Bản và Mỹ, 10 quốc gia thành viên khác của TPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Hoàn tất đàm phán hiệp định thế kỷ TPP

Bộ trưởng của 12 nước thành viên TPP chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán và đạt được thoả thuận cuối cùng cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

 

 


Hồng Duy - Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm