Tổng thống Obama phát biểu tại ABIS. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trong sự kiện diễn ra sáng 21/11 tại Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng thống Obama nhấn mạnh vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông chủ Nhà Trắng khẳng định đây là chiến thắng của Mỹ và 11 quốc gia đối tác, giúp xóa bỏ rào cản cho tất cả các nước, tạo ra cơ hội kinh doanh cho các nước thành viên.
“Malaysia sẽ có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu điện thoại di động vào Mexico, Singapore có thể bán thuốc cho Peru trong khi Việt Nam có tiềm năng hợp tác lớn hơn với đối tác Nhật Bản”, Tổng thống Obama lấy ví dụ về lợi ích của TPP với những quốc gia đã đạt được thỏa thuận. Tuy nhiên, theo ông chủ Nhà Trắng, vấn đề trở ngại lớn nhất là đơn giản hóa những thủ tục hải quan để doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia vào quá trình phân phối, luân chuyển hàng hóa từ nước này sang nước khác.
“Trong quá trình tham gia TPP, các nước thành viên đã hợp tác, làm việc cùng nhau, đi theo hướng mà chúng ta mong muốn. Nhân quyền, con người đã được chú trọng và đi kèm trong hiệp định TPP. Trong khối, cam kết về thương mại sẽ cao hơn”, ông Obama phát biểu tại ABIS.
Tổng thống Mỹ cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Công đoàn trong quá trình bảo vệ quyền lợi của người công nhân. Khi gia nhập TPP, điều kiện lao động sẽ được cải thiện vì nó phải tuân theo quy chuẩn thay vì tận dụng lao động trẻ em, phụ nữ với giá tiền rẻ mạt.
“Lao động phải an toàn, giờ làm được đảm bảo và có những quy định về mức chi trả tối thiểu. Tóm lại, phải có những quy chuẩn trong lao động. TPP còn đề cập đến chống vi phạm quyền con người, luật chống tham nhũng hay đảm bảo việc thực thi pháp luật”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Tổng thống Mỹ cũng nêu ví dụ về việc thu nhập 1,25 USD, tương đương 30.000 đồng, cho một ngày lao động là điều lố bịch. Con người và chuẩn mực trong sử dụng lao động phải là trọng tâm trong TPP. Hiệp định cũng là sự đảm bảo về an ninh lương thực vì các nước thành viên sẽ gia tăng mua bán thực phẩm với nhau.
“Kinh tế ngày càng phát triển có đồng nghĩa với việc môi trường bị ảnh hưởng nặng nề hơn? Chúng ta sẽ phải lựa chọn giữa kinh tế và bảo vệ môi trường? Không. Cần phải có những cải tổ nhất định, dù mất thời gian, để có thể đảm bảo phát triển kinh tế nhưng đồng thời giúp bảo vệ môi trường”, Tổng thống Obama nhấn mạnh.
"Nói tóm lại, TPP rất khác biệt. TPP không đơn thuần là hiệp ước thương mại kinh tế toàn cầu, nó chứa đựng những thông điệp sâu sắc, mạnh mẽ hơn thế khi đề cập đến cam kết của các quốc gia, về kết quả, về những đối tác thực sự trong hợp tác đầu tư và thương mại. Chúng ta sẽ tiếp tục cùng nhau nỗ lực. Nước Mỹ sẽ cùng hợp tác với các bạn để đem lại hòa bình cho mọi người. Nông dân và công nhân sẽ phải thay ca, làm việc nhiều hơn bởi đơn giản là có nhiều thị trường mới hơn đang chờ đón các bạn", ông Obama nói.
Barack Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên gặp gỡ lãnh đạo 10 nước ASEAN. Lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 mở đầu cho 10 hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác, trong đó có Mỹ. Ông Obama tới Malaysia sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2015 tại Manila, Philippines.