TPP là viết tắt của “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương”.
Khởi động vào cuối năm 2005, TPP ban đầu chỉ gồm các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore. Đến tháng 9/2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP nhưng không phải "gia nhập" vào TPP cũ, mà sẽ cùng các bên đàm phán một hiệp định thương mại hoàn toàn mới, nhưng vẫn lấy tên gọi là TPP. Sau đó, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia, đưa tổng số thành viên hiện nay lên thành 12.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn bao quát một loạt các mối quan tâm phi thuế quan, như sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về lao động.
Cho đến nay, đàm phán TPP đã trải qua 20 phiên chính thức và nhiều phiên giữa kỳ. Các vấn đề được nêu ra trong hiệp định gồm quyền sở hữu trí tuệ, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu và được dự báo bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ảnh: Tuoitre. |
Gia nhập TPP sẽ giúp Việt Nam cân bằng được quan hệ thương mại với các khu vực thị trường trọng điểm, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường nhất định. Quan hệ thương mại tự do với các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản và việc xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hàng nông sản, sẽ là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng đầu tư nước ngoài mới, tạo ra nhiều công ăn việc làm, hình thành năng lực sản xuất mới. Với những cam kết sâu và rộng hơn WTO, TPP sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn, từ đó hỗ trợ tích cực cho quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tích cực đã nêu ở trên, việc tham gia vào TPP cũng tiềm ẩn một số thách thức, trong đó được nói tới nhiều nhất là sức ép cạnh tranh. Thách thức này xuất phát từ việc giảm thuế nhập khẩu về 0%, mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư và mua sắm chính phủ trong khuôn khổ.