Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

​Đón TPP, đừng quên ô nhiễm

Theo một báo cáo nghiên cứu của nhóm các học giả Peter Petri, Michael Plummer và Fan Zhai, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ việc tham gia TPP.

Nghiên cứu này dự báo ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 165 tỷ USD vào năm 2025 nhờ TPP, so với con số 113 tỷ USD nếu không có TPP.

Đầu tư và môi trường, lựa chọn sao đây?

Khi quá trình đàm phán đang dần đi đến hồi kết, đã và đang có một làn sóng các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Hàn Quốc... tăng tốc đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam, tập trung nhiều vào các công đoạn sản xuất nguyên liệu, bao gồm sản xuất sợi, dệt, nhuộm và hoàn tất vải để đón đầu đòi hỏi về nguồn gốc xuất xứ.

Cùng với “lợi thế tài nguyên rẻ”, bao gồm giá nhân công, giá điện, giá nước sạch, phí xử lý nước thải..., rõ ràng Việt Nam đang rất hấp dẫn các nhà đầu tư này. Vấn đề ở đây là trong chuỗi giá trị của ngành dệt may, công đoạn nhuộm và hoàn tất vải lại là những công đoạn phát thải ô nhiễm cao nhất, khi sử dụng nhiều loại thuốc nhuộm, hóa chất, tiêu thụ nhiều nước, phát sinh nhiều nước thải với nồng độ ô nhiễm hữu cơ (BOD, COD), các kim loại nặng độc hại, các chất rắn lơ lửng... cũng như độ màu rất cao.

Tài liệu hướng dẫn của Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam cho thấy, tùy loại vải và công nghệ nhuộm, lượng nước sạch tiêu tốn có thể đến khoảng 130-600 m3/tấn vải, và có đến 88% lượng nước sạch sử dụng sẽ trở thành nước thải trong quá trình xử lý vải ướt. Những câu chuyện về ô nhiễm do nước thải từ các làng nghề dệt nhuộm tại Phương La (Thái Bình), Vạn Phúc (Hà Nội), Tương Giang (Bắc Ninh)... hay từ các cơ sở dệt nhuộm ven kênh Tham Lương (TP HCM) vẫn còn nguyên tính thời sự, và đang làm đau đầu những nhà quản lý.

Thực tế thời gian qua đã có nhiều địa phương dựng “hàng rào phòng vệ” từ đầu, bằng việc đưa những dự án có công đoạn nhuộm vào diện hạn chế hoặc tạm dừng thu hút đầu tư, như ở Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Điều này tùy thuộc vào định hướng phát triển kinh tế và thu hút đầu tư của từng địa phương. Tuy nhiên cũng khó triệt để nói không với công đoạn nhuộm, khi đây là một công đoạn trong toàn chuỗi giá trị của ngành dệt may.

Theo Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM, trên địa bàn TP còn 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch. Trong đó, một số công ty dệt nằm trong danh sách này. Trong ảnh: cảnh sát môi trường thị sát và lấy mẫu tại địa điểm gây ô nhiễm ở quận Tân Bình.

Theo Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM, trên địa bàn TP còn 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm hoặc không phù hợp quy hoạch. Trong đó, một số công ty dệt nằm trong danh sách này. Trong ảnh: Cảnh sát môi trường thị sát và lấy mẫu tại địa điểm gây ô nhiễm ở quận Tân Bình.

Mặc dù TPP cũng sẽ đặt ra các quy định về việc tuân thủ pháp luật về môi trường như là một điều kiện cơ bản, nhưng điều đó không có nghĩa và chúng ta cũng đừng nên mơ mộng tất cả nhà đầu tư nước ngoài sẽ đem đến Việt Nam những công nghệ dệt nhuộm hiện đại nhất, ít gây ô nhiễm nhất. Vấn đề là chúng ta có đủ bản lĩnh để từ chối những công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên và có khả năng gây ô nhiễm, hay vì nhu cầu thu hút đầu tư mà sẽ tiếp nhận tất cả?

Lợi thế để lựa chọn

Có hai yếu tố hỗ trợ là ưu đãi thuế từ TPP và “giá tài nguyên rẻ”, để Việt Nam có thể lựa chọn chỉ tiếp nhận những nhà đầu tư sử dụng công nghệ dệt nhuộm hiện đại, có chọn lọc, thay vì tiếp nhận một cách không rõ ràng như hiện nay.

Ngành dệt may Trung Quốc sẽ bị thiệt hại từ TPP nên đang ráo riết chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam. Máy móc thiết bị công nghệ xuất xứ Trung Quốc, còn mới hoặc đang sử dụng, sẽ sang Việt Nam. Vì lý do hiệu quả đầu tư, không nhất thiết các nhà đầu tư này phải lựa chọn công nghệ hiện đại với chi phí đầu tư cao, nếu chi phí vận hành ở mức chấp nhận được và lợi nhuận vẫn ở biên độ cho phép, đó là tư duy logic kinh tế thông thường. Hậu quả sẽ là gì?

Đó chính là sự trả giá về suy giảm tài nguyên và suy thoái môi trường, vì việc sử dụng quá nhiều nước sạch và tiếp nhận quá nhiều nước thải mang theo tải lượng lớn các chất ô nhiễm độc hại, khó phân hủy... Mặc dù về nguyên tắc, các nhà máy này vẫn có thể tuân thủ quy định về nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải sau xử lý. Giá điện trong sản xuất công nghiệp thấp cũng không khuyến khích các doanh nghiệp này thực hiện tiết kiệm năng lượng, từ đó lại gây áp lực lên việc đầu tư phát triển nguồn điện, khi mà nguồn tài nguyên than ngày càng suy giảm và các nguồn năng lượng tái tạo vẫn đang phát triển rất hạn chế.

Đã có lo ngại rằng nước thải dệt nhuộm cần chi phí xử lý cao, và điều này có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài vì có thể làm lợi nhuận của họ thấp hơn kỳ vọng. Vì thế đã có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét giảm bớt sự nghiêm ngặt về tiêu chuẩn nước thải, hỗ trợ chi phí xử lý nước thải hoặc hỗ trợ vốn đầu tư hệ thống xử lý nước thải, nhằm không bỏ lỡ cơ hội thu hút đầu tư đón đầu TPP. Lý luận này không thể đứng vững và cho thấy một sự thỏa hiệp, thậm chí đánh đổi về môi trường để hi vọng đạt mục tiêu phát triển kinh tế.

TPP là cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức không nhỏ cho ngành dệt may Việt Nam với định hướng nâng cao tỉ lệ nội địa hóa để thụ hưởng những ưu đãi mà TPP mang lại.

Chưa vào TPP, hàng tỷ USD đã đổ về Việt Nam

Một làn sóng đầu tư dệt may đã đổ về Việt Nam để đón đầu TPP. Những dự án tỷ đô có thể thu hút đầu tư nhưng cũng tạo ra những sức ép về dài hạn cho các DN và nền kinh tế.

http://tuoitre.vn/tin/tuoi-tre-cuoi-tuan/van-de-su-kien/ban-doc-va-ttct/20150717/don-tpp-dung-quen-o-nhiem/778953.html

Theo Nguyễn Đăng Anh Thi/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm