Mức thuế nhập khẩu thịt và các sản phẩm động vật hiện tại ở mức 10-12%, các doanh nghiệp và người nuôi trong nước còn khó khăn. Khi tham gia Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), mức này sẽ về 0%. Do đó, hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi đều không mấy lạc quan khi tham gia sân chơi TPP.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho biết, trước đây doanh nghiệp ông lúc cao điểm nuôi đến 20.000 con heo nhưng phải treo chuồng từ nhiều năm nay do không có lời.
Doanh nhân này phân tích, để hy vọng có chút lời, nhiều năm nay những hộ tại Đông Nam Bộ tìm cách tự phối trộn thức ăn chăn nuôi để tiết giảm chi phí, vậy nhưng giá thành vẫn ở mức cao. Số khác sử dụng những mánh lới gian lận, mua heo sắp xuất chuồng về vỗ béo bằng chất tăng trọng, kiếm lời vài ba chục cân mỗi con trong mỗi tháng.
Ngành chăn nuôi trong nước có thể gặp khó khăn hơn khi có TPP bởi những vấn đề liên quan đến thuế khóa. Ảnh: Nguyễn Hữu. |
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp trong ngành, thay vì nhập khẩu nguyên liệu, con giống đã chuyển qua nhập thịt đông lạnh, kiếm lời nhanh hơn vì thịt nhập luôn thấp hơn hẳn sản phẩm cùng loại trong nước. “Không cần đến TPP, từ cuối năm nay, khi có Hiệp định mậu dịch tự do ASEAN, nguồn thịt từ Thái Lan thôi cũng đủ sức đe doạ ngành chăn nuôi trong nước rồi...”, ông Bình nói.
Những lãnh đạo đầu ngành cho rằng, chăn nuôi trong nước yếu vì quá nhỏ lẻ. Các vị này đưa ra giả thiết, nếu mô hình được chuyển đổi dạng trang trại tập trung, các công ty sẽ có cơ hội sống sót cao hơn. Tuy nhiên, chính những chủ trang trại quy mô lớn hơn cũng không mấy tin vào điều này. Bởi lẽ, cả đầu vào và đầu ra đều phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại.
Ông Nguyễn Diên Tường, một chủ hộ chăn nuôi theo quy mô hơn 3.000 con tại Đồng Nai giãi bày, mỗi lần bán, để biết giá heo bao nhiêu, ông đều phải hỏi dò giá từ một công ty lớn là CP. Theo ông, dường như doanh nghiệp lớn đã quyết định thị trường. Đây là những nguyên nhân mà những người trong ngành coi tương lai thị trường chăn nuôi “tối như đêm 30”.
Đất sống nào cho chăn nuôi?
Thịt nhập từ các nước về là thách thức lớn nhất cho ngành chăn nuôi khi tham gia TPP. Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết, chưa tham gia TPP, thịt gà về tới Việt Nam có giá 19.000 đồng/kg, bán ra thị trường 23.000-27.000 đồng. Khi vào TPP, giá rẻ thêm bao nhiêu ông cũng chưa dự đoán được. Trong khi đó, theo lời ông Long, hiện tại, giá thành ra đến thị trường của mỗi kg gà trong nước đã lên tới 37.000 đồng.
Muốn chăn nuôi trong nước có cơ hội tồn tại, theo ông Long, chỉ còn cách giảm áp lực đầu vào bằng mọi cách. Theo đó, giá thành thức ăn chăn nuôi, phí, lệ phí thú y càng thấp càng tốt. Ông cũng cho rằng, việc đề ra hàng rào về an toàn thực phẩm đối với thịt đông lạnh nhập khẩu là cần thiết. Các cơ quan cần làm mọi cách để hạn chế nguồn thịt cận đát (gần hết hạn sử dụng) vào ồ ạt và có giá rẻ như cho như hiện nay.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nhìn lại những năm gia nhập WTO, ngành chăn nuôi đã “lên bờ xuống ruộng”. Và TPP, theo ông, là hiệp định thương mại tự do điển hình của thế kỷ 21, nên dù muốn hay không, chúng ta đã và đang vào cuộc chơi này.
Giảm áp lực đầu vào, bao gồm hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, các loại phí... được cho là biện pháp tốt nhất để ngành chăn nuôi có đất sống. Ảnh: Nguyễn Hữu. |
Theo ông, thay đổi thế phòng thủ như hiện nay sang tiếp cận sẽ giúp ngành này tránh được tình trạng “nhảy từ hố này sang hố khác”. Hướng gợi mở, theo vị chuyên gia này là hình thành mô hình chuỗi (từ con giống, trang trại, chế biến đến thương mại) trong ngành.
Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng phải tạo ra sự khác biệt, tận dụng các đặc sản địa phương (những vật nuôi độc đáo và lạ), làm công tác tiếp thị thành những thương hiệu có tầm cỡ. Trước ý kiến này, một số người nghi ngại tính khả quan. Phần lớn lo lắng tính khả thi của lập chuỗi do hiện tại, ngay cr các tập đoàn chăn nuôi lớn từ nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh nhiều năm nay như CP, Emivest, Japfa... cũng chưa có đơn vị nào hình thành được chuỗi theo đúng nghĩa.
Lạc quan hơn, ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi cho rằng, ngành đã có những chuyển dịch mang tính tích cực, diễn ra âm thầm nhiều năm nay theo xu hướng giảm các mô hình nhỏ lẻ sang các mô hình lớn, tập trung hơn. Thế nhưng, để hội nhập TPP, việc cần tiếp tục làm là tái cơ cấu cả về vùng lẫn vật nuôi, từ đó mới đi theo hướng phát triển chuỗi giá trị ngành hàng này.
Thêm vào đó, theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Dương và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, các doanh nghiệp cần đánh vào thói quen của người tiêu dùng trong nước là tiêu thụ thịt tươi, nóng... Nếu được tổ chức tiếp cận thị trường tốt, ngành chăn nuôi vẫn có nhiều cơ hội tồn tại và phát triển chứ không đen tối như nhiều người lo ngại.