Chia sẻ với Zing.vn về cơ hội, thách thức khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM cho rằng, từ 2 năm nay, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư mạnh vào Việt Nam trong các ngành được xác định sẽ có nhiều lợi thế.
Doanh nghiệp trong nước cũng khởi động với nhiều chiến lược mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy, TPP đã tác động đến Việt Nam ngay trên bàn đàm phán, chứ không đợi đến khi hiệp định này có hiệu lực.
- Ông đánh giá như thế nào về cơ hội mà Việt Nam có được khi gia nhập TPP?
- TPP là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, điểm đặc biệt của nó là giảm mạnh, nhanh các rào cản về thương mại, mà thuế quan giảm rất nhanh. Nhiều mặt hàng có thể giảm đến 90%, và trong thời gian ngắn nữa là về 0%.
Điểm quan trọng là hiệp định này không có nhiều ngoại lệ như WTO, nên khi TPP được ký kết, Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu là rõ ràng. Trong đó, chúng ta đã thấy được một số mặt hàng hưởng lợi như dệt may, da giày, một số sản phẩm nông nghiệp. Và khi thị trường xuất khẩu thuận lợi sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước.
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM. Ảnh: HL. |
Nhưng quan trọng hơn, các nước thành viên là những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển, công nghiệp hóa lâu đời, có công nghệ nguồn mà Việt Nam rất cần tiếp cận để phát triển bền vững.
Vấn đề sở hữu trí tuệ, mua sắm công trong TPP cũng rất mới, giúp Việt Nam có thay đổi trong quan hệ sản xuất kinh doanh, đảm bảo nền kinh tế vận hành đúng theo quy luật thị trường, công bằng giữa các quốc gia.
Những câu chuyện về đầu tư, xuất nhập khẩu cũng chỉ là cơ hội trước mắt. Lợi ích lâu dài chúng ta hướng đến là đáp ứng những tiêu chuẩn cao TPP đem lại.
"Kết quả thăm dò mới nhất của Pew, hãng khảo sát hàng đầu của Mỹ cho thấy: Mỹ là nước gần cuối cùng trong danh sách các nước tham gia TPP xét về mức độ ủng hộ của người dân. Nghiên cứu được thực hiện tại 9 nước thành viên sáng lập, thành viên đàm phán từ tháng 4 đến tháng 5/2014.
Tỷ lệ ủng hộ đối với TPP đứng đầu là Việt Nam, với 89% đánh giá mang lại kết quả tích cực, chỉ 2% bi quan. Lạc quan này cũng có lý do, ai cũng nghĩ rằng, làm ăn với Mỹ sẽ tốt hơn, có cơ may hơn".
- Thành viên trong TPP là những quốc gia phát triển, liệu Việt Nam có lép vế khi chưa được công nhận nền kinh tế thị trường, đặc biệt với Mỹ, một thị trường rất quan trọng?
- Việc Mỹ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là câu chuyện hoàn toàn khác. Với TPP thì không có vấn đề gì cả. Tôi có trao đổi với một số chuyên gia kinh tế và cả doanh nghiệp vài nước, họ trả lời không đặt nặng vấn đề này trong TPP.
Chúng ta đang vận động các nước công nhận, nhưng việc này có tác dụng rõ nhất trong phòng vệ thương mại, chủ yếu ở những vụ kiện chống bán phá giá.
Nhưng khi gia nhập WTO, chúng ta đã có một điều khoản tự động về vấn đề này, là đến năm 2018, Việt Nam đương nhiên được công nhận nền kinh tế thị trường.
Tôi nghĩ, chuyện này chỉ là trên văn bản, còn bản chất nền kinh tế, doanh nghiệp có vận động đúng quy luật thị trường hay không, Nhà nước can thiệp đến đâu, đó mới là quan trọng. Và quan trọng hơn, bản thân chúng ta phải tuân thủ theo quy luật của thị trường, không có sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp, không có chuyện bất bình đẳng trong nền kinh tế.
Da giày là một trong những ngành có nhiều lợi thế khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực. Ảnh: Như Ý. |
- Cơ hội nhiều, nhưng chúng ta phải đối mặt với những thách thức gì khi gia nhập TPP?
- Cơ hội đem đến nhiều, nhưng làm sao tận dụng được cơ hội chính là thách thức. Ở đây không riêng câu chuyện xuất xứ hàng hóa, mà doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều điều kiện khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật. Họ chuẩn hóa từ những vấn đề như lao động, môi trường, sổ sách kế toán, chứng từ… Nếu không đáp ứng được thì doanh nghiệp mình không có cơ hội.
Một thách thức nữa trong TPP là tranh chấp và xử lý tranh chấp. Chưa kể nếu chúng ta xuất khẩu nhiều và nhanh một mặt hàng nào đó, thì sẽ có nhiều hơn những phòng vệ thương mại, đấy cũng là nguy cơ.
Nhưng theo tôi, thách thức chỉ là vấn đề kỹ thuật. Điều đáng lo ngại là cạnh tranh. Không dễ trong một sớm một chiều để nâng doanh nghiệp Việt lên, bởi họ đang rất yếu, nhất là giai đoạn khó khăn vừa qua.
Và vấn đề thứ 2 đáng quan ngại là sức ỳ của các thể chế, nhóm lợi ích. Đây là một lực cản rất lớn.
- Như vậy, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt đến đâu nếu gia nhập TPP?
- Nhiều chuyên gia cũng đặt ra câu chuyện này. Tôi thì nhìn nhận vấn đề lạc quan một chút. Tất nhiên cái gì cũng phải có giá của nó, nhưng hy vọng câu chuyện hội nhập lần 2 này giá sẽ không đắt.
Khi gia nhập WTO, phải tuân thủ luật chơi lớn toàn cầu, rất nhiều vấn đề chúng ta phải thay đổi. Trong khó khăn ban đầu có những chuyện được mất, nhưng cái được cụ thể là doanh nghiệp Việt nhận thức được hội nhập là điều không thể tránh khỏi.
Dù xác định là ngành chịu nhiều tổn thương khi gia nhập TPP, nhưng hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp. Ảnh: HL. |
Câu chuyện khó khăn mà doanh nghiệp gặp khi gia nhập WTO có thể sẽ là bài học kinh nghiệm họ rút ra trong cơ hội mới này, và sẽ có những chuẩn bị tốt hơn.
Chúng tôi làm công việc hỗ trợ và thấy rằng, doanh nghiệp lớn rất quan tâm đến TPP, và đã có chuẩn bị từ 2-3 năm nay rồi. Họ sẽ biết cách thích ứng.
Khía cạnh thứ 2 là doanh nghiệp Việt Nam, theo quan sát của tôi, có mức độ linh hoạt rất cao. Nhiều người đặt ra lo ngại, liệu TPP có dẫn đến phá sản hàng loạt không?
Theo tôi, rất có thể những doanh nghiệp yếu kém sẽ khó. Nhưng bên cạnh đó sẽ có rất nhiều người tìm thấy cơ hội. Những lứa doanh nghiệp mới này sẽ phát triển mạnh, thích ứng tốt với những đòi hỏi khắt khe của hội nhập.
Câu chuyện sàng lọc của TPP sẽ mang lại những lứa doanh nghiệp khỏe, phù hợp với nền kinh tế thị trường và phát triển tốt hơn. Hy vọng cái nhìn màu hồng của tôi là không phải lý thuyết.
“Thịt gà từ Mỹ, đi nửa vòng trái đất về Việt Nam mà chỉ có giá 19.000 đồng/kg, rẻ khủng khiếp, bằng một nửa so với giá gà Việt Nam. Mặc dù thịt gà của họ là đông lạnh, nhưng với giá đó, nếu không tính thuế thì chúng ta đã thấy nông dân, doanh nghiệp mình thua rồi.
Nhưng, chúng ta phải nhìn vấn đề 2 mặt chứ đừng bi quan. Việt Nam phải có những thay đổi để phù hợp với các chuẩn mực mới về thương mại. Trong nền kinh tế hiện nay, anh không thể một mình một chợ”, ông Phạm Bình An.