Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Doanh nghiệp vẫn đợi TPP đạt được thỏa thuận cuối cùng

Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho rằng, dù việc lỡ hẹn TPP trong tháng 7 không tác động đến hoạt động sản xuất hiện tại, nhưng phần nào cũng gây ra sự hụt hẫng.

Trái với những mong đợi từ các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cũng như chính phủ các quốc gia, vòng đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hawaii đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận cuối cùng. Sự khác biệt về những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ trong ngành dược phẩm và mở cửa thị trường nông nghiệp, đã khiến con đường đi đến một thỏa thuận kinh tế xuyên Thái Bình Dương bế tắc vào phút chót.

Theo tờ New York Times, các bộ trưởng sẽ về nước ngay sau phiên đàm phán, và tìm kiếm sự đồng thuận trong nội bộ, trước khi xúc tiến những cuộc gặp song phương để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Chia sẻ với Zing.vn, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM cho biết, thông tin từ đoàn đàm phán Việt Nam thì các một số thành viên vẫn còn ở lại Hawaii đến hết ngày 3/8. Do đó, hy vọng về việc đàm phán được nối lại và kết thúc bằng thỏa thuận cuối cùng vẫn còn.

"Bởi như chúng ta đã biết, nếu TPP không được thông qua thời điểm này thì rất khó. Mỹ sẽ dành thời gian và ưu tiên hàng đầu cho cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2016. Nếu bỏ lỡ, các nước có thể phải chờ đến năm 2017 mới có thể ký được TPP. Trong khi đó, đàm phán càng kéo dài thì sẽ càng khó khăn", ông An chia sẻ.

Việc các bộ trưởng còn ở lại Hawaii thắp lên hi vọng TPP vẫn có thể đạt được các thỏa thuận về nguyên tắc. Ảnh: Hoàng Hà.
Việc một số thành viên còn nán lại Hawaii thắp lên hy vọng TPP vẫn có thể đạt được các thỏa thuận về nguyên tắc. Ảnh: Hoàng Hà.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập TP HCM cũng hy vọng rằng, có thể các nước sẽ đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, trong khi các vấn đề về kỹ thuật sẽ tiếp tục được đàm phán sau đó, giống như cách mà nhiều hiệp định thương mại đa phương đã được thông qua. "Đây là một hiệp định đã lỡ hẹn rất nhiều, có thể nói là nhiều nhất trong các FTA. Nhiều cột mốc cứ trôi dần từ 2013 đến nay. Đàm phán đã không kết thúc đúng vào tháng 7 như chúng ta dự kiến, nhưng mong rằng TPP sẽ đạt được thỏa thuận ngay trong năm 2015".

Trong khi đó, để đón đầu TPP, từ 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng đầu tư máy móc thiết bị nhằm làm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đặc biệt là các công ty trong ngành dệt may, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp này, dù việc lỡ hẹn TPP trong tháng 7 không tác động đến hoạt động sản xuất hiện tại, nhưng phần nào cũng gây ra sự hụt hẫng.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, một doanh nghiệp trong ngành dệt may xuất khẩu, đã lên kế hoạch đầu tư gần 1.150 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2020, cùng với mua thêm một dây chuyền sản xuất bông để tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ông Nguyễn Văn Thới, Tổng giám đốc công ty cho biết, vào TPP sẽ mang lại cơ hội về giá và thị trường tốt hơn, nhưng nếu chưa thành công thì doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường.

Cùng quan điểm này, ông Ngô Văn Trịnh, Trưởng phòng kinh doanh Vải Sợi của Công ty cổ phần Dệt May Thành Công, cho rằng, đa phần các doanh nghiệp rất mong đợi TPP kết thúc. "Đó là một cơ hội lớn, cả về thị trường lẫn cạnh tranh. Nếu có TPP, cánh cửa vào thị trường Mỹ sẽ mở rộng hơn trong sân chơi và công bằng với tất cả các doanh nghiệp".

Tuy nhiên, ông Trịnh cũng khẳng định, doanh nghiệp kinh doanh thường tính chuyện dài hơi. Nên nếu thỏa thuận TPP có phải lùi thời hạn kí kết thì "Doanh nghiệp vẫn phải hoạt động bình thường trong đoạn thị trường của chính mình. Có thể cuối năm nay, hay đến tận 2017, hoặc kéo dài hơn nữa TPP mới có thể đàm phán xong, nhưng doanh nghiệp vẫn sẽ chào đón hiệp định này, cơ hội này. Chỉ cần thỏa thuận không 'đổ vỡ', còn cơ hội để ký kết, thì doanh nghiệp vẫn sẽ còn mong đợi", ông Trịnh chia sẻ.

TPP tác động đến doanh nghiệp Việt ngay trên bàn đàm phán

Đón đầu TPP, từ 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư mạnh vào Việt Nam ở các lĩnh vực như dệt may, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao.

Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm