Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘TPP là cơ hội tạo đột phá cho công nghiệp hoá’

Trả lời Zing.vn, giáo sư Jonathan London – Đại học thành thị Hong Kong (Trung Quốc) cho rằng, TPP tạo ra bối cảnh để Việt Nam thay đổi nền sản xuất.

- Là chuyên gia quốc tế về Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa chiến lược của TPP mà Việt Nam là một trong những thành viên tham gia xây dựng luật chơi từ đầu?

- Có thể khẳng định, TPP có ít nhất 3 tác động chính: một là mở rộng khả năng tiếp cận của các nhà sản xuất trong nước tới các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản. Hai là kích thích đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam hấp dẫn hơn so với trước đây, nhờ việc tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường lớn.

Thứ ba và quan trọng nhất, là cơ hội tạo đột phá cho quá trình công nghiệp hóa.

Giáo sư Jonathan London trả lời về cơ hội của TPP với Việt Nam Ông Jonathan London, đến từ Đại học thành thị Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, Việt Nam có thể có bối cảnh thay đổi nền sản xuất từ TPP.

Ở Việt Nam, các ngành vẫn chủ yếu dừng ở mô hình lắp ráp, phụ thuộc vào nước ngoài. Với TPP, Việt Nam có cơ hội sản xuất khác với trước đây. Đơn cử, Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào nguyên liệu Trung Quốc. TPP cũng như FTA với EU đặt yêu cầu cao về xuất xứ.

Đây là cơ hội và điều kiện quan trọng để Việt Nam thay đổi nền sản xuất của mình, nâng cao, mở rộng, làm sâu nền công nghiệp.

- Nhưng như dệt may, với yêu cầu xuất xứ, ngành may mặc sẽ gặp khó khăn khi nguyên liệu vẫn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc?

- Thách thức rất lớn nhưng đó cũng là cơ hội. Việt Nam phụ thuộc nguyên liệu vào Trung Quốc thì đây là cơ hội để thoát khỏi sự phụ thuộc này. Các bạn có thể tạo dựng cho mình một nền công nghiệp thực sự cạnh tranh, không chỉ lắp ráp đơn thuần.

- Các nhà quan sát cho rằng, TPP thể hiện một cam kết chính trị lớn của Việt Nam cho đổi mới và hội nhập. Quan điểm của ông thế nào?

- Tôi nghĩ, các lãnh đạo Việt Nam dù có thể có quan điểm khác nhau nhưng cùng chia sẻ mong muốn một Việt Nam cởi mở, hội nhập vào cộng đồng quốc tế. Thông điệp đó được thể hiện rất rõ.

Việc có những tranh luận là điều bình thường. Con đường sẽ không dễ dàng. Nhưng TPP, dù không thể khẳng định chắc chắn, có thể giúp Việt Nam trong quá trình cải cách, mở cửa và hội nhập.

- Đâu là điều kiện cần và đủ để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội TPP mang lại ?

- Trong thời gian tới, nhất là giai đoạn trước mắt, Việt Nam cần có một chiến dịch lớn, với một thông điệp rõ ràng, phải có những hành động mang tính đột phá.

Giáo sư Jonathan London đánh giá, TPP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong một số lĩnh vực nhất định. Ảnh: NVCC.

- Có nhận định cho rằng, lý do Mỹ và các nước phát triển đặt yêu cầu cao trong nhiều vấn đề, để xác lập sẵn luật chơi, và bỏ ngỏ phương án Trung Quốc tham gia sau này, như trong vấn đề sở hữu trí tuệ, lao động và doanh nghiệp Nhà nước. Ông bình luận gì về điều này?

- Trong bối cảnh hôm nay, việc Trung Quốc tham gia TPP không còn để ngỏ, ít nhất là trong trung hạn sẽ không có chuyện đó. Với những vấn đề như sở hữu trí tuệ, đúng là có những đánh giá tác động tiêu cực về lâu dài cho một số lĩnh vực như dược phẩm, y tế. Điều này cũng khiến những người như tôi lo ngại, nghi ngờ. Nhưng nhìn chung, TPP mang cơ hội lớn hơn nhiều so với cái đánh đổi.

Việt Nam có thể lạc quan. Chưa bao giờ có một cơ hội như TPP, trên thế giới và với riêng Việt Nam. Bây giờ không phải là chuyện Việt Nam được gì, mất gì, mà là làm gì để tận dụng cơ hội, giảm thiểu tác hại do TPP đưa tới.

Muốn có điều đó, Việt Nam phải có hành động toàn diện, từ chuyện giáo dục đến cải cách hành chính, hạ tầng cơ sở, minh bạch hóa… và làm thật tốt.

- Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng, TPP là cơ hội lớn cho Việt Nam?

- Mục tiêu lớn nhất với TPP tại Việt Nam là làm sao người dân hiểu rõ và hưởng lợi. Đó cũng là cơ hội cho cả nhà đầu tư, kinh doanh trong và ngoài nước. Vấn đề là làm sao để TPP không chỉ mang lại tăng trưởng cao, nhanh hơn, mà cần đem đến lợi ích thiết thân cho từng người dân. Đó cũng nên là mục tiêu sau cùng mà Việt Nam hướng tới. 

Xem toàn bộ buổi phỏng vấn trực tuyến về TPP với 4 chuyên gia trong nước và quốc tế dưới đây:

'Chiếc đũa thần nằm trong tay chính chúng ta'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên coi TPP hay bất cứ một hiệp định thương mại nào là "chiếc đũa thần", mà "Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta".

 

Ngọc Lê

Bạn có thể quan tâm