Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai được, ai mất từ TPP?

Trung Quốc sẽ sớm cảm nhận những mất mát khi không gia nhập TPP. Với TPP, Mỹ đang ngày càng thắt chặt giao thương thương mại với những nước trong khu vực hơn.

Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) là thỏa thuận thương mại lớn nhất lịch sử, bao gồm một nhóm 12 thành viên trong vùng Thái Bình Dương: Canada, Mexico, Mỹ ở Bắc Mỹ; Chile và Peru ở Nam Mỹ; Brunei, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Việt Nam ở châu Á; cùng với Australia và New Zealand.

Các thành viên TPP sở hữu GDP trị giá 28 nghìn tỷ USD và dân số 870 triệu người, chiếm 25% tổng thương mại toàn cầu và tạo thành một khu vực thương mại lớn hơn NAFTA. Tính về GDP gộp, khu vực TPP còn lớn hơn EU.

TPP được cho là sẽ mở rộng cửa thị trường Thái Bình Dương cho nhiều mặt hàng của nước thành viên, từ hải sản của Việt Nam đến bơ sữa của New Zealand.

Ngược lại, những ý kiến trái chiều cho rằng, hiệp định sẽ triệt tiêu việc làm trong lĩnh vực sản xuất tại Mỹ, hạ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đẩy tăng giá thuốc.

Thỏa thuận phải được các nhà lập pháp tại nước thành viên thông qua trước khi được áp dụng.

Nhật Bản

Các nhà sản xuất phụ tùng và ôtô của Nhật Bản có thể là những đơn vị được lợi nhiều nhất, khi họ được tiếp cận thị trường Mỹ rộng lớn với chi phí rẻ hơn.

Tuy nhiên ngược lại, Nhật Bản buộc phải giảm một số biện pháp bảo hộ đối với nông dân trồng lúa trong nước, tạo ra 1% hạn ngạch nhập khẩu không thuế trong tổng lượng tiêu thụ toàn ngành.

Người chăn nuôi tại Nhật Bản cũng gặp khó khăn hơn, khi những rào cản về thuế đối với thịt bò sẽ giảm từ 38,5% xuống còn 9% trong 16 năm. Thuế đánh vào mặt hàng thịt lợn cũng sẽ giảm.

Australia

Thỏa thuận sẽ loại bỏ 9 tỷ đôla Úc phí thuế nhập khẩu từ thương mại, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết.

Úc cũng sẽ có cơ hội thâm nhập vào thị trường đường tại Mỹ, trong khi Nhật Bản sẽ giảm rào cản thuế với thịt bò - điều có lợi cho những người chăn nuôi Úc.

Hải sản và các sản phẩm trồng trọt của Australia cũng sẽ được hưởng rào cản thuế thông thoáng hơn, trong khi những hạn ngạch ưu đãi được thiết lập dành cho sản phẩm cá, ngũ cốc và lúa gạo.

Australia và New Zealand cũng thành công trong việc tạo sức ép khiến Mỹ phải thỏa hiệp về thời gian bảo hộ của hãng dược với các chế phẩm sinh học, rút ngắn từ 12 năm xuống còn 5 năm. Điều này có thể giúp hạ giá thuốc và tạo môi trường cạnh tranh hơn.

Các nhà sản xuất của Australia sẽ được hưởng lợi từ rào cản thuế sắt thép, dược phẩm, máy móc, giấy và linh kiện ô tô được dỡ bỏ.

New Zealand

Những rào cản về thuế được dỡ bỏ chiếm khoảng 93% kim ngạch giao thương giữa New Zealand với các đối tác TPP. Yếu tố này sẽ tiết kiệm 168 triệu USD hàng năm, Bộ trưởng thương mại New Zealand Tim Groser – cho biết.

Ngành công nghiệp sữa – chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu cả nước - sẽ tiết kiệm được khoảng 102 triệu đôla New Zealand mỗi năm.

Một vài rào cản thuế vẫn được duy trì tại những thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico. Canada cũng chỉ đồng ý tạo ra 3,3% hạn ngạch nước ngoài dành cho thị trường sữa nội địa trong 5 năm.

Rào cản thuế với thịt bò xuất khẩu cũng sẽ bị loại bỏ, loại trừ Nhật Bản – nước chỉ giảm từ 38,5%  xuống 9%. Rào cản thuế của những mặt hàng xuất khẩu khác bao gồm hoa quả, hải sản, rượu, thịt cừu cũng sẽ bị loại bỏ.

"Mặc dù thất vọng khi hiệp định không dỡ bỏ được hoàn toàn rào cản thuế quan, các nhà xuất khẩu bơ sữa của New Zealand cũng đã đạt được nhiều lợi ích tại các thị trường TPP trọng điểm như Mỹ, Canada và Nhật Bản", ông John Wilson, Chủ tịch Công ty xuất khẩu sản phẩm sữa lớn nhất thế giới Fonterra Cooperative, cho biết.  

Việt Nam

Theo Eurasia Group, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất với TPP. Hiệp định thúc đẩy GDP của Việt Nam lên 11% trong năm 2025, xuất khẩu tăng 28% khi các công ty bắt đầu rời nhà máy sang đây để tận dụng giá nhân công rẻ.

Thuế nhập khẩu vào Mỹ và Nhật Bản giảm sẽ có lợi cho những nhà sản xuất hàng may mặc của Việt Nam. Tuy nhiên, tác động tích cực có thể bị hạn chế khi Việt Nam phải đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về nguồn gốc nguyên vật liệu sản xuất.

Ngành công nghiệp hải sản của Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc loại bỏ các khoản thuế nhập khẩu tôm, mực, cá ngừ, đang ở mức 6,4%-7,2%.

Loại bỏ rào cản thuế nhập khẩu sản phẩm y dược từ mức 2,5% hiện tại sẽ khiến cuộc cạnh tranh giữa những nhà sản xuất nội địa và nước ngoài trở nên khốc liệt hơn.

TPP cũng khiến vấn đề bảo hộ bằng sáng chế trở nên cấp thiết hơn, thắt chặt kênh tiếp cận sản phẩm mới của công ty dược phẩm Việt Nam, cũng như khả năng sáng chế thuốc mới.

Malaysia

Những doanh nghiệp nhà nước của Malaysia sẽ là đơn vị hứng chịu hậu quả nhiều nhất từ thỏa thuận này, khi cơ hội đấu thầu các hợp đồng mua chi tiêu của chính phủ được sản đều cho các công ty.

Điện tử, sản phẩm y tế, dầu cọ và cao su sẽ là những ngành được hưởng lợi. Malaysia hiện là quốc gia sản xuất dầu cọ lớn thứ 2 thế giới và là một trong những nơi trồng nhiều cao su nhất.

Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ sớm cảm nhận những mất mát khi không gia nhập TPP. Với TPP, Mỹ đang ngày càng thắt chặt giao thương thương mại với những nước trong khu vực hơn.

Các công ty xuất khẩu của Trung Quốc có thể để mất thị phần vào tay Mỹ và Trung Quốc ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Bloomberg nhận định.

Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược "một vành đai, một con đường" để thiết lập các tuyến thương mại từ châu Á tới châu Âu, cũng như củng cố quyền lực của ngân hàng đầu tư mới và các hiệp định thương mại tự do với những nước Châu Á.  

 

http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/ai-duoc-ai-mat-tu-tpp-1344851.html

Thảo Mai/Bizlive

Bạn có thể quan tâm