Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘TPP đẩy nhanh cải cách các lĩnh vực như điện, xăng'

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, TPP ảnh hưởng đến tái cấu trúc những lĩnh vực độc quyền như điện, xăng dầu.

 

Trong buổi trả lời phỏng vấn trực tuyến cùng Zing.vn diễn ra chiều 7/10, tiến sĩ Võ Trí Thành có những câu trả lời rất thẳng thắn và thú vị về Việt Nam hội nhập với TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

- Tranh luận TPP có hai thái cực “mở cửa vậy là chết hết” và “TPP tuyệt vời”. Việc gia nhập hiệp định này nên hiểu thế nào cho đúng?

- Tôi nghĩ các xúc cảm ấy có phần hơi cực đoan, nhưng đằng sau nó cũng có lý do nhất định. Hội nhập nói chung, việc thực thi đòi hỏi yêu cầu, tiêu chuẩn cao đều có 2 hiệu ứng tích cực và tiêu cực. Nhưng khi hội nhập, chắc chắn hiệu ứng tích cực phải lớn hơn. Nếu chúng ta tận dụng tốt cơ hội, Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

 

"TPP là bước đệm quan trọng để cải cách các doanh nghiệp độc quyền". Ảnh: Lê Hiếu.

- Một số chuyên gia gọi TPP là "kỳ tích lịch sử" nhưng theo ông, hiệp định này sẽ là kỳ tích lịch sử gì với Việt Nam về thành tựu phát triển kinh tế?

- Tôi chưa dám nói là kỳ tích hay chưa nhưng rõ ràng tham gia TPP, hội nhập sâu rộng hơn đang gắn chặt với bước ngoặt phát triển của Việt Nam.

Dù còn nhiều khó khăn, song về tổng thể, hội nhập sâu rộng khi thực thi TPP nhất quán với nhu cầu, cách thức cải cách, đặc biệt là quá trình tái cấu trúc của Việt Nam hiện nay.

Và nếu nhìn ở góc độ như vậy, chúng ta nên hy vọng TPP hội nhập sâu rộng hơn cùng cải cách và tạo ra được kỳ tích trong phát triển kinh tế của Việt Nam. 

- Chuyện độc quyền điện, xăng có hết khi vào TPP hay không?

- Có lẽ, các cam kết trong TPP không trực tiếp liên quan đến một số lĩnh vực. Tuy nhiên, hiệp định này có thể có ảnh hưởng rất tích cực đến tái cấu trúc, cải cách những lĩnh vực còn độc quyền như điện, xăng dầu. 

Ví dụ như yêu cầu về minh bạch hóa, doanh nghiệp Nhà nước phải cạnh tranh bình đẳng trong cơ chế thị trường. Trong chương về mua sắm Chính phủ, hiệp định yêu cầu không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, mà cả các công ty nước ngoài cũng có thể tham gia. Đây sẽ là bước đệm quan trọng để cải cách các doanh nghiệp Nhà nước và những ngành có tính độc quyền.

 

"Vẫn là Việt Nam nhưng với TPP thì phải tương thích với thế giới". Ảnh: Lê Hiếu.

- Có khoảng cách rất lớn giữa hệ thống luật Việt Nam với những thoả thuận TPP. Liệu chúng ta có thể dung hoà khoảng cách luật lệ này?

- Sau khi ký hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Việt Nam đã bổ sung hoàn thiện khung pháp luật rất mạnh mẽ, gần 30 bộ luật đã được soạn thảo và thông qua. Khung pháp lý này về cơ bản tương thích hơn với thị trường và hội nhập.

Tuy nhiên, cũng phải nói rất thật, trong thời gian qua, khi gia nhập WTO, tâm huyết để phù hợp hội nhập sâu rộng hơn có phần không được như trước. Chính vì nhận ra điều này, khoảng 2-3 năm trở lại đây Việt Nam đã có nỗ lực hơn.

Bằng chứng rõ nhất, Việt Nam vừa thông qua Luật Doanh nghiệp, Đầu tư, đầu tư công cũng như văn bản liên quan khác như mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước. Vẫn còn rất nhiều thách thức ở phía trước, nhưng hy vọng cùng với cải cách thể chế, trong thời gian sắp tới, trước khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn các văn bản pháp lý cho phù hợp với các cam kết.

Nhưng quan trọng hơn là đảm bảo tính nhất quán với cam kết, quá trình cải cách thể chế, xây dựng Nhà nước hiện đại, minh bạch cơ chế, cũng như thực thi nghiêm túc. 

- Tôi sống ở nước ngoài nhiều năm, thấy nhiều cái ở Việt Nam rất khác so với họ, như kiểu tư duy tiểu nông là một ví dụ điển hình. Liệu TPP có giúp tư duy tiểu nông, chỉ đòi bảo hộ biến mất hay không?

- Tôi nhớ một câu nói của Paul Krugman, đại ý là doanh nghiệp nói chung rất ủng hộ thị trường tự do nhưng lại sợ hãi khi phải đối mặt với nó (cạnh tranh). Điều này cũng bình thường xét từ cấp độ vi mô, đặc biệt khi các nước đang phát triển phải hội nhập sâu rộng, và ngày càng khốc liệt hơn. Đó là chưa nói đến một nền kinh tế như Việt Nam, lịch sử gắn liền với nông dân, nông nghiệp.

Tuy nhiên, hội nhập với TPP là cuộc chơi con người, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với thị trường toàn cầu, với những nước lớn, với những người chơi mạnh về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý, và với những tiêu chuẩn cao.

Tôi rất hy vọng cùng quá trình cải cách trong nước, con người, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thay đổi và thích ứng được. Vẫn là Việt Nam nhưng tương thích với khu vực, thế giới hiện nay.

 Xem đầy đủ buổi phỏng vấn trực tuyến của Zing.vn với 4 chuyên gia trong nước và quốc tế trong bài dưới đây:

'Chiếc đũa thần nằm trong tay chính chúng ta'

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, không nên coi TPP hay bất cứ một hiệp định thương mại nào là "chiếc đũa thần", mà "Chiếc đũa thần thực sự nằm trong tay chính chúng ta".

 

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm