TP.HCM vừa công bố kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7. Trong đó, thành phố tập trung 9 nội dung trọng tâm.
Xét nghiệm một triệu mẫu gộp/ngày
Thứ nhất là tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Thành phố yêu cầu áp dụng khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội phù hợp trên cơ sở dịch tễ, không máy móc theo đơn vị hành chính. Các đơn vị cần kiểm soát chặt chẽ bên trong khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng.
Khu vực có ca nhiễm nCoV (đã xét nghiệm khẳng định) cần được khoanh vùng trong vòng một giờ. Nguyên tắc là khoanh vùng nhanh để lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và phong tỏa hẹp; có kết quả xét nghiệm trong vòng 12 giờ.
Các đơn vị khẩn trương hướng dẫn 22 doanh nghiệp với 25.000 lao động tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất.
UBND TP.HCM giao Sở Y tế và Văn phòng UBND TP trình hướng dẫn tạm thời việc tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 nhằm chuẩn hóa quy mô, quy trình, định mức nhân lực và trang thiết bị y tế.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ diễn biến dịch để điều chỉnh mức độ nguy cơ và có các giải pháp chỉ đạo phù hợp.
Thứ hai là tổ chức và tăng cường năng lực xét nghiệm. Thành phố yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại tất cả quận, huyện, TP Thủ Đức. Trong đó tập trung lấy mẫu toàn bộ người dân tại địa phương đang có nhiều ca nhiễm như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Bình Chánh.
Trong 12 ngày, TP.HCM chủ động tấn công dịch bằng nâng cao năng lực xét nghiệm. Theo đó, trường hợp xét nghiệm nhanh âm tính sẽ xét nghiệm mẫu gộp 5, 10 bằng RT-PCR.
“Phấn đấu thực hiện một triệu mẫu gộp/ngày”, UBND TP.HCM đặt mục tiêu. Sở Y tế có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đến ngày 5/7 phải đảm bảo năng lực xét nghiệm theo chỉ tiêu đã giao và tiến độ đã quy định.
Các đơn vị triển khai tự xét nghiệm nhanh Covid-19 cho công nhân, trong đó khuyến khích các doanh nghiệp tự chi trả chi phí mua bộ xét nghiệm nhanh và xét nghiệm cho người lao động 1 lần/tuần.
TP.HCM sẽ tổ chức xét nghiệm diện rộng, tập trung khu vực có nguy cơ cao. Ảnh: Chí Hùng. |
Thứ 3 là tăng cường kiểm tra, giám sát với các nhóm có nguy cơ cao. Thành phố yêu cầu lập bộ phận kiểm tra, giám sát phòng chống dịch Covid-19 và 100 đoàn kiểm tra hướng dẫn điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất. Nơi áp dụng là các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và các doanh nghiệp có nhiều lao động.
Các đơn vị cũng phải khẩn trương hướng dẫn 22 doanh nghiệp với 25.000 lao động tổ chức vừa cách ly, vừa sản xuất (theo đề xuất của Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp).
Các cơ sở khám, chữa bệnh không để lây nhiễm chéo. Chợ đầu mối, chợ truyền thống phải tăng cường biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch.
Chậm nhất cuối quý III tiếp nhận lô vaccine đầu tiên
Thứ 4 là tăng cường năng lực cách ly. UBND TP yêu cầu rà soát năng lực các khu cách ly tập trung hiện tại để xây dựng kế hoạch khảo sát, mở rộng, đáp ứng nhu cầu khi có số lượng các ca F1 tăng nhanh; vận động các khách sạn đủ điều kiện tổ chức cách ly trả phí. Đồng thời, các đơn vị tổ chức thí điểm cách ly y tế tại nhà trường hợp F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
TP.HCM nỗ lực đến cuối năm 2021, 2/3 người dân được tiêm vaccine.
Thứ 5 là tăng cường năng lực điều trị. Thành phố sẵn sàng kịch bản ứng phó của khối điều trị trong tình huống có 10.000 ca nhiễm. Ngành y tế có nhiệm vụ thống kê lượng oxy dự trữ, trang thiết bị y tế và mua sắm bổ sung.
Thứ 6 là thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Tổ công tác đàm phán và mua vaccine TP được giao khẩn trương làm việc với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất để đẩy nhanh tiến độ mua, nhập khẩu vaccine, chậm nhất trong cuối quý III/2021 phải tiếp nhận lô vaccine đầu tiên. TP phấn đấu đến cuối năm 2021, 2/3 người dân được tiêm vaccine.
Biện pháp thứ 7 là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, thành phố yêu cầu mở rộng hệ thống camera giám sát lắp đặt tại 46 khu cách ly tập trung và một số điếm tiêm chủng; cập nhật thường xuyên bản đồ Covid-19...
Thứ 8 là tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 10.
Cuối cùng là tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân.
UBND TP yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, thiếu kiên trì trong quá trình chống dịch Covid-19; phải dự báo được tình hình để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể
"Quán triệt phương châm chống dịch '3 không': Không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế", văn bản của UBND TP.HCM yêu cầu.
Ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cho người dân. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 3.653 ca mắc mới, vượt Bắc Ninh và đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát... TP.HCM cũng quyết định phong tỏa hàng loạt khu vực có nhiều ca nhiễm nCoV tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 8.
Ngày 26/6, ngành y tế bắt đầu chiến dịch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố trong 10 ngày.
Ngày 28/6, TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.