Tại họp báo chiều ngày 22/9, Zing đặt vấn đề về tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp phản ánh chi phí xét nghiệm Covid-19 cho người lao động đang là gánh nặng rất lớn. Các đơn vị mong muốn, thành phố có kế hoạch hỗ trợ hoặc biện pháp giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí.
Trả lời vấn đề này, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết trước khi xảy ra dịch bệnh, thành phố ước tính có khoảng 300.000 doanh nghiệp. "Các đơn vị này có vai trò rất lớn trong việc tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất và đóng ngân sách lớn vào ngân sách của thành phố", ông nhìn nhận.
Theo ông Hải, thành phố đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như xúc tiến đầu tư để giúp các đơn vị trong vấn đề hợp tác đầu tư, tổ chức nhiều hội nghị liên kết với các tỉnh, đào tạo nghề, liên kết doanh nghiệp với ngân hàng, vấn đề thuế...
"Hiện nay, trong quá trình bàn bạc, chuẩn bị cho những kế hoạch sau ngày 30/9, chúng tôi sẽ xem đây như là một giải pháp cần phải tính toán để hỗ trợ do doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.
Với chi phí xét nghiệm khoảng 1 triệu đồng/người/tháng, nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn rất lớn về tài chính, nhất là đối với doanh nghiệp hàng chục nghìn công nhân. Ảnh: Duy Hiệu. |
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), xét nghiệm Covid-19 cho người lao động tại doanh nghiệp là hoạt động chiếm chi phí rất cao dù là phương pháp test nhanh hay xét nghiệm mẫu gộp.
Ứng với mỗi mô hình sản xuất khác nhau, các doanh nghiệp hy vọng có thể chủ động trong kế hoạch và tần suất xét nghiệm, chọn các đơn vị xét nghiệm hay mua thiết bị xét nghiệm với giá thấp.
Từ 16-30/9, các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp tại quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ và khu công nghệ cao được thí điểm cơ chế riêng. UBND các địa phương này quyết định bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động.
Các doanh nghiệp tại các địa phương khác vẫn phải thực hiện theo mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến".