"Công ty tôi hiện nay có 350 nhân viên đang thực hiện '3 tại chỗ', mỗi lần xét nghiệm mất hơn nửa ngày, tốn 60 triệu đồng/lần và 240 triệu đồng/tháng. Tính ra mỗi tháng công ty tốn ít nhất 5-6 tỷ đồng cho các chi phí phát sinh đó", ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan tại Trà Vinh phân tích.
Nhưng với phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK, mỗi tháng công ty của tiến sĩ hóa học Việt kiều Canada này chỉ tốn khoảng 72,8 triệu đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm dùng mẫu gộp hai (một kit test cho hai người) thì chi phí xét nghiệm mỗi tháng còn lại là 36,4 triệu đồng.
Thực tế, hơn 2 tháng qua xét nghiệm Covid-19 cho người lao động vẫn là một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp muốn tái hoạt động và duy trì sản xuất, kinh doanh. Chi phí lớn do giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày gây tốn kém là những vấn đề mà đa số doanh nghiệp mọi ngành nghề đang gặp phải.
Nhà máy của Công ty Mỹ Lan đặt tại Cù Lao Long Trị, tỉnh Trà Vinh. Ảnh: ML |
Dùng xác suất thống kê để giảm chi phí xét nghiệm
Tại chương trình trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm về 2 giải pháp tái sản xuất hiệu quả tối 18/9, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan cho rằng hiện nay các khoản chi xét nghiệm đang là gánh nặng cho doanh nghiệp.
"Trung bình 3 ngày xét nghiệm một lần, tháng 8 lần, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng tiền xét nghiệm. Nhiều xí nghiệp may xuất khẩu hay chế biến thực phẩm có số lượng công nhân hàng nghìn người thì chi phí xét nghiệm lên tới tiền tỷ mỗi tháng", ông nói.
Trong thời gian tới khi cơ thể người lao động đã có kháng thể Covid-19 nhưng vẫn phải tiến hành xét nghiệm để sống chung với dịch bệnh, tiếp tục vận hành doanh nghiệp. Do đó, ông Mỹ chia sẻ giải pháp mang tên CNOK - phương thức lấy mẫu xét nghiệm dựa trên toán học xác suất thống kê mà công ty ông đã triển khai để duy trì sản xuất trong thời gian qua.
Trong đó, C là chính xác, N là nhanh chóng, O là ổn định tâm lý người lao động và K là kinh tế, giúp phát hiện nhanh chóng và tương đối chính xác người bị nhiễm Covid-19 trong nhà máy.
Theo ông giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” phát hiện nhanh với độ chính xác tương đối cao và doanh nghiệp không phải dừng sản xuất để thực hiện.
"Mục đích xét nghiệm là để giám sát, phát hiện, khẳng định và để sống chung với dịch bệnh. Mục đích khác nhau thì phương thức xét nghiệm khác nhau", ông nói.
Doanh nghiệp có nhiều nhân viên sẽ chia thành những phân tổ. Mỗi ngày nhân viên đại diện phân tổ sẽ được xét nghiệm, cứ thế xoay vòng lần lượt từng người.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan.
Với phương thức lấy mẫu xét nghiệm CNOK có thể tiết kiệm được chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp. "Theo đó, doanh nghiệp có nhiều nhân viên sẽ chia thành những phân tổ. Mỗi ngày nhân viên đại diện phân tổ sẽ được xét nghiệm, cứ thế xoay vòng lần lượt từng người", ông phân tích.
Với công ty 350 người sẽ chia thành 13 phân tổ, trong đó có 12 phân tổ với 28 người. Phân tổ còn lại gồm 14 người có mức độ lây nhiễm cao như bảo vệ và tài xế. Theo đó, mỗi nhân viên chỉ cần xét nghiệm 2 lần trong 28 ngày theo mẫu gộp 2. Chi phí cho xét nghiệm theo phương thức này là 72,8 triệu đồng/tháng thay vì 146 triệu đồng/tháng như trước.
Ông Mỹ cho rằng doanh nghiệp quy mô lớn hay nhỏ đều có thể áp dụng phương pháp này. "Doanh nghiệp nhỏ với 15 lao động thì chỉ cần xét nghiệm 1 người/ngày", ông nói và cho rằng doanh nghiệp cũng cần có giám sát nhiệt độ ngay từ vòng ngoài để kịp thời đưa lao động có dấu hiệu sốt đi xét nghiệm.
Trước đó, ngày 17/9, 14 hiệp hội doanh nghiệp phản ánh chi phí xét nghiệm Covid-19 hiện rất lớn do giá kit cao, mật độ xét nghiệm dày, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Do đó, đề xuất với Chính phủ cho các tổ chức y tế được bán kit xét nghiệm theo giá cạnh tranh; kiểm soát giá kit xét nghiệm như mặt hàng cần bình ổn giá hoặc được Nhà nước trợ giá theo Luật giá. Tổ chức y tế, bệnh viện, y tế lưu động của địa phương hoặc của doanh nghiệp sẽ xét nghiệm đối với điểm sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp mất hàng tỷ đồng/tháng tiền xét nghiệm cho công nhân khi thực hiện 3 tại chỗ. Ảnh: Việt Linh. |
Cách nào để doanh nghiệp sống chung lâu dài với dịch bệnh?
Về giải pháp giúp doanh nghiệp quay lại sản xuất một cách an toàn, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu (GIBC) - cho rằng hiện nay doanh nghiệp đã chuyển qua một tâm thế mới đó là chấp nhận và sống chung với dịch bệnh.
Trước hết trong chuỗi cung ứng phải có chiến lược vaccine rõ ràng để phủ xanh, phục hồi lại kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chính quyền nên để doanh nghiệp chủ động trong vấn đề này, cụ thể là đăng ký vaccine với các đầu mối và tự tổ chức tiêm dịch vụ.
Bên cạnh đó là vấn đề quản lý y tế an toàn, ông Trai cho biết hiện nay nhà nước đã ban hành quy trình theo dõi, kiểm tra nhưng doanh nghiệp vẫn phải đóng vai trò chủ động, đặc biệt trong vấn đề test nhanh Covid-19. "Quản lý an toàn của nhà nước nhưng tổ chức kinh doanh, sản xuất an toàn là của thuộc về doanh nghiệp. Hãy để cho doanh nghiệp chủ động trong vấn đề này", ông nhấn mạnh.
Tiếp theo là việc quản lý lưu thông phải giải quyết, rút kinh nghiệp từ những bất cập vừa qua. Nhà nước cấp mã QR đi lại thông qua "giấy thông hành vaccine" cho những đối tượng đã tiêm vaccine 2 mũi hoặc 1 mũi có điều kiện.
Vận tải hàng hóa cũng quản lý bằng mã QR nhưng cần có sự liên thông dữ liệu. Doanh nghiệp sẽ khai báo những ai đủ điều kiện, lộ trình di chuyển vào hệ thống nhà nước, việc kiểm tra sẽ dựa trên dữ liệu.
Để sống chung với dịch bệnh, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro, xử lý khủng hoảng trong công tác phòng, chống Covid-19. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Theo ông, thay vì kiểm soát, Nhà nước không nên can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. "Có những lao động họ cần phải thay đổi người khẩn cấp tùy đặc thù, do đó việc đi lại của người lao động nếu đáp ứng các tiêu chí, doanh nghiệp chủ động khai báo sẽ thuận lợi hơn. Cần chọn phương án rủi ro thấp, không nên chọn phương án không rủi ro khi thực tế triển khai không như mong muốn", ông nói.
Ngoài ra, bên cạnh tiếp tục các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động, nhà nước cần có liên kết với doanh nghiệp để chi trả ngay cho người lao động đang sản xuất, người lao động bị ngừng việc. "Rủi ro rất lớn nếu doanh nghiệp không có sự kết nối với người lao động", ông Trai đánh giá.
Cuối cùng, ông cho rằng cần sự hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp như giảm thuế... là vấn đề mọi doanh nghiệp đều quan tâm. Đây là phần rất quan trọng để tiếp sức cho doanh nghiệp phục hồi.