Quản lý khu cách ly tập trung là một trong những vấn đề được đặt ra tại buổi họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 2/7.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 30/6 và 1/7, ông đã chủ trì 2 phiên họp về khu cách ly. Theo ông Phong, từ nay, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, được bổ sung làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM và phụ trách toàn bộ vấn đề về cách ly.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 2/7. Ảnh: HMC. |
Hiện, 14 khu cách ly trực thuộc thành phố do Bộ Tư lệnh TP.HCM quản lý. Ông Phong cho biết khi rà lại tất cả khu cách ly thì thấy một số nơi chưa đảm bảo. "Dứt khoát phải tổ chức lại", ông yêu cầu.
Lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh các nhà vệ sinh cá nhân phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch. Ông Phong giao Sở Nội vụ ra quyết định thành lập Ban Quản lý khu cách ly tập trung, gồm các lực lượng: Bộ Tư lệnh (trưởng ban); công an; y tế; tài nguyên môi trường; thông tin truyền thông; an toàn thực phẩm; và địa phương.
Ông Phong cho biết vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các nhà mạng. Theo đó, khi người dân thực hiện cách ly sẽ có thẻ để sử dụng Wi-Fi miễn phí, phục vụ nhu cầu giải trí.
Với các khu cách ly thuộc quận, huyện, ông yêu cầu không được tổ chức tại trường học. Ông Phong đề nghị sử dụng khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn làm khu cách ly.
Ngoài ra, ông Phong cho rằng có thể cách ly tại nhà tái định cư chưa sử dụng. Ông Phong đã giao Phó chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng xử lý. "Quỹ nhà tái định cư chưa sử dụng còn nhiều, khả năng giải quyết cho khoảng 5.000 người cách ly", ông cho biết.
Ông Phong cũng đề nghị quận, huyện, TP nghiên cứu hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly tại nhà.
Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất, TP.HCM đã giao sở, ban, ngành nhanh chóng thẩm định 24 doanh nghiệp đăng ký vừa sản xuất, vừa cách ly, hoàn thành trước ngày 5/7. Ông Phong cũng giao Phó chủ tịch Lê Hòa Bình bố trí khu cách ly cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Thậm chí, thành phố tính đến chuẩn bị khu cách ly dã chiến tại các khu đất trống.
TP.HCM còn nhiều khu tái định cư trống, chưa có người sử dụng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Về khu cách ly tập trung, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi tán thành phương án thay khu cách ly tại trường học bằng ký túc xá, nhà tái định cư hoặc cơ sở vật chất khác. Ông yêu cầu phải tổ chức ngay vì thời gian qua, số lượng F1 chuyển thành F0 tại khu cách ly nhiều.
"Chúng ta cần rà lại việc này để làm cho chuẩn, ngăn chặn khả năng lây chéo", ông Mãi nói.
Ông Mãi cũng lưu ý có thông tin khi vận chuyển F1 đến khu cách ly thì phương tiện không đảm bảo giãn cách, ví dụ xe 45 chỗ chở 30 người. Phó bí thư cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra để có đề xuất thời gian tới.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 4.537 ca mắc mới, đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).
Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.