Sáng 2/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM họp giao ban với sự tham dự của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.
Phân nhóm nguy cơ đến từng khu phố
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đợt dịch lần 4 nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước. Có thời điểm, thành phố ghi nhận trên 500 ca/ngày.
Đợt dịch lần 4 nguy hiểm, phức tạp và khó dự đoán hơn các lần trước.
Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Qua phân tích số liệu từ 19/6 đến 30/6 (thời điểm áp dụng Chỉ thị 10), số ca nhiễm phát hiện trong cộng đồng bình quân 65 ca/ngày; số ca nhiễm sàng lọc tại các bệnh viện bình quân 35 ca/ngày.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định điều này cho thấy các biện pháp đang triển khai từng bước phát hiện được ca nhiễm tiềm ẩn trong cộng đồng.
"Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát và tốc độ lây lan của biến thể Delta mạnh mẽ, số ca nhiễm có khả năng vẫn còn tăng những ngày tới", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định số ca nhiễm sẽ còn tăng. Ảnh: HMC. |
Dựa trên tình hình thực tế, ông đưa ra các yêu cầu cụ thể với từng đơn vị. Đầu tiên, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh việc tập trung thực hiện 9 nhóm giải pháp trong đợt cao điểm kiểm soát tình hình dịch bệnh từ 29/6 đến 10/7.
Ông cũng đề nghị lãnh đạo các quận, huyện phân nhóm nguy cơ đến từng phường xã, khu phố. Cụ thể là: Nhóm nguy cơ rất cao; Nhóm nguy cơ cao; Nhóm nguy cơ, nhằm tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu các đơn vị giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0. Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp cho từng nơi.
Cơ quan, đơn vị có trường hợp phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ cần rút kinh nghiệm sâu sắc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong
"Mọi trường hợp tham gia hỗ trợ xét nghiệm phải được tập huấn đầy đủ, kỹ lưỡng. Các cơ quan, đơn vị có trường hợp phơi nhiễm trong quá trình làm nhiệm vụ cần rút kinh nghiệm sâu sắc", ông Phong lưu ý.
Chủ tịch TP.HCM cũng biểu dương huyện Hóc Môn và quận Bình Tân đã chủ động tổ chức trung tâm phân tích dữ liệu và hàng ngày tiếp nhận thông tin từ các phường, xã, thị trấn. Ông đề nghị các địa phương học hỏi.
Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu quận, huyện đẩy nhanh sử dụng bộ xét nghiệm nhanh. Ông cho biết Sở Y tế đã cung cấp 3 đơn vị cung ứng bộ xét nghiệm nhanh và đảm bảo đáp ứng nhu cầu.
"Trưởng ban chỉ đạo quận, huyện phải quan tâm, không để tồn đọng", ông Phong lưu ý và nhấn mạnh vấn đề nằm ở khâu tổ chức xét nghiệm.
Về các khu cách ly tập trung, ông Phong yêu cầu rà soát lại tất cả khu cách ly. Ông cho biết thành phố sẽ thành lập ban quản lý các khu cách ly tập trung gồm lực lượng của Bộ Tư lệnh, Công an, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, An toàn vệ sinh thực phẩm và chính quyền địa phương.
Sở Y tế được giao thẩm định mô hình vừa cách ly vừa sản xuất trước 5/7. Đối tượng là 22 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp, khu chế xuất và 2 doanh nghiệp thuộc khu công nghệ cao.
Hiện, số lượng bệnh nhân Covid-19 tăng nhanh, thành phố đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị và sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa.
Không chạy đua xét nghiệm theo số lượng
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định cuộc chiến với dịch bệnh vẫn còn rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ.
"Quyết tâm đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8 có thể khống chế dịch bệnh", Phó thủ tướng đề nghị.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các quận, huyện chủ động căn cứ vào diễn biến dịch để điều chỉnh phương án giãn cách theo Chỉ thị 10 hoặc Chỉ thị 16. Công tác xét nghiệm tầm soát và tiêm vaccine diện rộng cần tổ chức chặt chẽ, tránh để tràn lan, tự phát, tập trung đông người.
Quyết tâm đến cuối tháng 7, dịch bệnh giảm rõ, giảm sâu và đến tháng 8 có thể khống chế dịch bệnh.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cũng có chung quan điểm. Ông đề nghị quận, huyện rà soát khu vực nào cần thiết áp dụng Chỉ thị 16 thì có thể tự quyết định hoặc xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM.
Ông Mãi nhấn mạnh việc quan trọng nhất là sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng, đặc biệt trong công tác xét nghiệm kết hợp với xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
"Kế hoạch xét nghiệm tầm soát diện rộng đặt mục tiêu 5 triệu mẫu xét nghiệm để nhanh chóng xác định F0. Tuy nhiên, việc tổ chức nên phân chia thời gian cụ thể để xét nghiệm đầy đủ, an toàn, tránh chạy đua theo số lượng, thành tích", ông nhắc nhở.
Ông cũng tán thành phương án điều trị chia F0 thành 3 nhóm: Không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ và triệu chứng nặng. Cuối cùng, ông Phan Văn Mãi yêu cầu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn để phụ huynh, học sinh yên tâm.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HMC. |
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 4.573 ca mắc mới, đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ).
Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ).
Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.