Trao đổi với Zing tối 30/6, Phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Thái Thị Hồng Nga cho biết quận sẽ lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 cho người dân trên toàn địa bàn trong 2 ngày, 1-2/7. Thời gian dự kiến từ 8h đến 18h hàng ngày, chia thành các khung giờ cụ thể (không nghỉ trưa).
Quận dự kiến lấy 460.000 mẫu trong 2 ngày bằng phương pháp lấy mẫu gộp 10 hoặc 15.
Các điểm lấy mẫu đã được thu xếp trong đêm 30/6. Ảnh: UBND quận cung cấp. |
Phó chủ tịch quận cho biết thành phố đã cử 200 đội đến 62 điểm xét nghiệm tại 22 phường để hỗ trợ. Tùy vào quy mô, mỗi điểm có từ 1-6 đội lấy mẫu.
"Mục tiêu là lấy càng nhiều mẫu càng tốt. Quận mong người dân tuân thủ quy định, thực hiện đúng 5K khi đi lấy mẫu", bà Nga nói.
Trong tối 30/6, lực lượng chức năng của Bình Thạnh đã sắp xếp ghế ngồi, vị trí, phân luồng tại các điểm xét nghiệm.
Để tránh tình trạng đông đúc, người dân được thông báo lấy mẫu theo giờ. Trung bình cứ 1,5 giờ sẽ có 1-3 khu phố tới các điểm lấy mẫu.
Tính đến hết 30/6, quận Bình Thạnh có 195 ca nhiễm nCoV. Theo đánh giá của UBND TP.HCM, quận Bình Thạnh thuộc nhóm nguy cơ cao.
Cùng với Bình Thạnh, việc lấy mẫu xét nghiệm toàn dân cũng bắt đầu thực hiện từ 1/7 ở quận 1, quận 3 và TP Thủ Đức.
Cụ thể, quận 1 sẽ lấy mẫu xét nghiệm cho 100% người dân tại 10 phường. Thời gian từ 14h đến 22h mỗi ngày, từ 1/7 đến 5/7. Mỗi ngày chia 2 ca, từ 14h đến 18h và 18h đến 22h.
Quận dự kiến lấy 150.000 mẫu theo phương pháp gộp 10 hoặc 15. Mỗi ngày lấy 30.000 mẫu. Riêng người dân đã lấy mẫu trong vòng 7 ngày thì không cần xét nghiệm lại. Tùy theo diễn biến dịch, tiến độ và số lượng mẫu có thể thay đổi.
Trong ngày 30/6, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cũng có văn bản khẩn yêu cầu 34 phường triển khai ngay việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân toàn TP Thủ Đức.
Thời gian lấy mẫu từ 10h đến 22h ngày 1/7. Đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên. Người già yếu, bệnh tật, trẻ em không lấy mẫu. Dự kiến, TP lấy 600.000 mẫu trong ngày 1/7 bằng phương pháp gộp 10.
Điểm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 là các khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp vừa qua. Riêng với doanh nghiệp có 500 lao động trở lên, việc lấy mẫu diễn ra tại doanh nghiệp.
Tại quận 3, từ 1/7 đến 5/7, UBND quận tổ chức 14 điểm lấy mẫu xét nghiệm tại 12 phường. Quận dự kiến trong 5 ngày lấy 150.000 mẫu.
Số lượng mẫu được phân theo nguy cơ của từng phường. Phường không có ổ dịch lấy mẫu trên 50% dân số. Phường có một ổ dịch lấy trên 60% dân số. Phường có 2 và 3 ổ dịch lấy mẫu lần lượt trên 65% và 70% dân số.
Từ ngày 27/4 đến nay, TP.HCM ghi nhận 3.714 ca mắc mới, đang là ổ dịch có số ca mắc nhiều thứ 2 cả nước, chỉ sau Bắc Giang.
Ngày 19/6, UBND TP.HCM đã ban hành Chỉ thị 10 về giãn cách xã hội với các quy định như không tụ tập quá 3 người nơi công cộng, giữ khoảng cách 1,5 m, tạm dừng chợ tự phát... TP.HCM cũng quyết định phong tỏa hàng loạt khu vực có nhiều ca nhiễm nCoV tại huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 8.
Ngày 26/6, ngành y tế bắt đầu chiến dịch lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố trong 10 ngày.
Ngày 28/6, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch Tổ chức đợt cao điểm kiểm soát dịch Covid-19 từ 29/6 đến 10/7 với nhiều giải pháp cụ thể như: Tăng cường điều tra, truy vết, khoanh vùng; tăng năng lực xét nghiệm; tăng giám sát nhóm nguy cơ cao...
TP.HCM phân nhóm mức độ diễn biến dịch. Theo đó, các nơi có nguy cơ rất cao gồm huyện Hóc Môn, Bình Chánh, quận 8, Bình Tân, Tân Phú và một phần của TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ). Nơi có nguy cơ cao là huyện Củ Chi, quận 1, 4, 5, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, và một phần của TP Thủ Đức (quận 2 và 9 cũ). Các nơi có nguy cơ gồm huyện Cần Giờ, quận 7, 10, 11, và Phú Nhuận. Thành phố cũng quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 10 sau 0h ngày 29/6 đến khi có thông báo mới.
Bình luận