Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'TP.HCM - từ mảnh đất hoang vu tới ngọn nguồn hạnh phúc'

Trong buổi giao lưu về sự phát triển TP.HCM, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho rằng thế hệ trẻ hôm nay hạnh phúc vì được hưởng thụ một đời sống trong đô thị giàu mạnh.

Lịch sử, sự phát triển của TP.HCM là đề tài của rất nhiều cuốn sách đã phát hành, được nhiều bạn đọc yêu thích. Trong chuỗi hoạt động mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ 8, giao lưu “Sài Gòn - TP.HCM: Từ bước chân lưu dân đến đô thị thông minh” làm rõ hơn sự phát triển của thành phố thông qua những cuốn sách giá trị.

Chương trình diễn ra chiều 18/4 tại đường sách TP.HCM, với sự tham gia của ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; bà Đinh Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM.

TP.HCM qua trang sach anh 1

Các diễn giả tại tọa đàm. Ảnh: Duy Hiệu.

322 năm xây dựng nên thành phố phồn vinh

Các diễn giả tham gia chương trình đều là tác giả của những cuốn sách về TP.HCM: Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, tác giả từng đoạt giải thưởng Sách Quốc gia; TS Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM; nhà báo Lê Công Sơn, tác giả sách Loanh quanh Sài Gòn.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không chỉ là tác giả của những cuốn sách về địa chính, lịch sử TP.HCM, mà còn là nhân chứng trải qua nhiều biến thiên của thành phố khi sống tới 100 tuổi và trải qua nhiều chế độ. “Trong cuộc đời 100 năm qua, có nhiều chuyện lịch sử, tôi là chứng nhân được nghe, được thấy, ngoài ra tôi còn nghiên cứu lịch sử”, nhà nghiên cứu mở lời khi nói về sự thay đổi diện mạo TP.HCM.

Về lịch sử khai hóa vùng đất, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết TP.HCM được khai sinh 322 năm trước: “Lúc đầu, tổ tiên ta mang tơi, đội nón đi bộ, đi thuyền vào đây khai hoang lập ấp từ vùng hoang địa, không có người”. Vùng đất này trước đây hoang vu, ông Chu Đạt Quan, trong cuốn Chân Lạp phong thổ ký, kể ông đi sứ qua 10 km mà không gặp bóng người. Các chúa Nguyễn đã đến nơi đây, đặt cơ sở để xây dựng nên vùng đất trù phú như ngày nay.

Đến thời thực dân Pháp, họ mang chút văn minh tri thức đến, nhưng phát triển cầm chừng, bởi chủ trương của họ là khai thác thuộc địa, lấy tài nguyên, chứ không khai phá vùng đất. Khi người Mỹ đổ bộ, mục đích của họ là duy trì chiến tranh.

Sau ngày thống nhất, đất nước và TP.HCM đã phát triển, phồn vinh, giàu mạnh. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói: “Những người sống lâu như tôi ở mảnh đất này thấy sự phát triển của thành phố như từ vực sâu đến ngọn nguồn hạnh phúc”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi già rồi, không còn sống lâu nữa để hưởng sự phồn vinh của thành phố. Nhưng chúng tôi mừng cho các bạn trẻ vì họ còn nhiều thời gian để hưởng thụ văn minh, sự phát triển này giàu đẹp hôm nay”.

TP.HCM qua trang sach anh 2

Bà Phạm Phương Thảo chia sẻ về việc quảng bá di sản thành phố qua sách vở. Ảnh: Duy Hiệu.

Đánh thức di sản qua sách, xây dựng cộng đồng đọc thông minh

Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, TP.HCM là một thành phố trẻ nhưng có nhiều di sản văn hóa. Bà Phạm Phương Thảo nói thành phố cần khai thác, đánh thức di sản nhằm tạo động lực cho phát triển. Trong quá trình ấy, không thể thiếu vai trò của sách.

“Để di sản được người dân trong nước, bạn bè gần xa biết đến, cùng sự kết nối của công nghệ thông tin, Internet, truyền thông, các hoạt động văn hóa, giáo dục… cần có nhiều cuốn sách về di sản, bảo tàng, công trình kiến trúc”, bà Phạm Phương Thảo nói.

Nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Phương Thảo nói thời gian qua các đơn vị ở quận 5, quận 3 của TP.HCM đã xuất bản những cuốn sách, tập ảnh về hành trình di sản, văn hóa thành phố. Đó là cách đi đúng, cần phát huy hơn nữa.

TP.HCM qua trang sach anh 3

Đông đảo bạn đọc tham dự tọa đàm, trao đổi với các vị diễn giả. Ảnh: Duy Hiệu.

Bàn cụ thể về vấn đề xây dựng văn hóa đọc trong thành phố hiện nay, TS Lê Quốc Cường - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM - nói cần tạo dựng nhiều hơn nữa không gian đọc.

Theo Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM Lê Quốc Cường, ngày nay chúng ta đã có những lễ hội sách lớn, những đường sách, không gian dành cho sách. Nhưng như vậy là chưa đủ, bởi ngày nay có nhiều phương tiện đọc phong phú (ebook, sách nói, sách tương tác).

“Nếu chỉ nhân rộng mô hình đường sách, hội sách, mở rộng không gian văn hóa đọc vật lý là không đủ. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển, ta mua một cuốn sách cũng không cần ra đường, ta đọc một cuốn sách cũng không nhất thiết đọc trên giấy. Vì vậy, ta cần mở rộng từ không gian đọc vật lý lên không gian số”, TS Lê Quốc Cường nói.

Ông nói về chủ trương của thành phố: “TP.HCM có khát vọng xây dựng thành thành phố thông minh; ở lĩnh vực xuất bản, phát hành, văn hóa đọc cũng nên tạo lập cộng đồng đọc thông minh”.

TS Lê Quốc Cường giải thích để làm được việc này, đầu tiên cần có xuất bản thông minh; làm sao để các nhà xuất bản làm ra các cuốn sách thông minh nhất, từ nội dung, cách làm sách đến tiếp cận khách hàng.

Chúng ta cũng cần người đọc thông minh, thông qua các ứng dụng, độc giả có thể lựa chọn sách theo chủ đề họ cần, tiếp nhận thông tin từ sách hiệu quả, họ cũng có thể thanh toán thông minh… Trên cơ sở đó, mới có thể xây dựng được không gian số thông minh, kết nối cộng đồng đọc thông minh.

Khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ tám

Các đại biểu và đông đảo bạn đọc đã tham gia lễ khai mạc Ngày sách Việt Nam lần thứ tám, mở đầu chuỗi hoạt động khuyến đọc trên toàn quốc.

Sàn giao dịch bản quyền mở cửa từ 19/4

Sàn giao dịch bản quyền là nơi các đơn vị làm sách trong và ngoài nước thử nghiệm giới thiệu, trao đổi bản quyền thông qua các công cụ tương tác trực tuyến.

Tần Tần

Ảnh: Duy Hiệu

Bạn có thể quan tâm