Một trong những điểm nổi bật của Hội sách trực tuyến quốc gia năm nay là mở sàn giao dịch bản quyền cho các đơn vị xuất bản, phát hành. Sàn giao dịch sẽ chính thức mở cửa từ ngày 19/4 tại địa chỉ book365.vn. Đây là một trong những hoạt động chào mừng Ngày sách và bản quyền thế giới 23/4.
Sàn giao dịch bản quyền là nơi hỗ trợ các đơn vị giao dịch trong mùa Covid-19, nhất là các đơn vị xuất bản ở nước ngoài vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Với các đơn vị Việt Nam, sàn bản quyền tạo điều kiện để giao lưu giới thiệu sách hay, kết nối, tổ chức các cuộc họp trên sàn với công cụ tương tác hiệu quả.
Hội sách trực tuyến quốc gia chia làm 5 khu vực chính, trong đó khu vực giao dịch bản quyền sẽ mở cửa từ 19/4. Ảnh: Book365. |
Lần đầu tiên sàn giao dịch bản quyền được thực hiện, ban tổ chức đã gửi lời mời tới nhiều đơn vị xuất bản, phát hành, công ty môi giới bản quyền tham gia. Hiện ban tổ chức đã nhận phản hồi tham gia của các đơn vị từ Nhật, Thái Lan, Malaysia, Singapore…
Đến nay, đã có gần 20 đơn vị tham gia gửi dữ liệu thông tin về ban tổ chức, các đơn vị khác sẽ tiếp tục cập nhật thông tin trong thời gian tới. Trước đó ban tổ chức đã gửi bản demo của sàn giao dịch bản quyền trực tuyến cho các nhà xuất bản nước ngoài. Một số đơn vị phản hồi tốt về giao diện của sàn.
Dự kiến, trên sàn tổ chức 8 cuộc hội thảo để các đơn vị quốc tế có thể đăng ký tham gia gặp gỡ trao đổi, kết nối với các nhà xuất bản Việt.
Đây là sân chơi chính thống, các đối tác nước ngoài có thể tiếp cận đơn vị xuất bản uy tín, tốt nhất của Việt Nam. Họ được cung cấp những công cụ để kết nối trực tuyến, chat, thảo luận…
Trên sàn giao dịch bản quyền cũng hỗ trợ giới thiệu bản quyền sách. Theo đó, bản quyền sách sẽ được chia theo 3 nhóm chính: Sách thiếu nhi, sách khoa học kỹ thuật, sách văn hóa du lịch.
Hình ảnh của hội sách bản quyền Hàn Quốc tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Việt Hùng. |
Sàn giao dịch bản quyền được người trong giới xuất bản đánh giá cao. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ - cho biết tại các hội sách lớn trên thế giới luôn có hoạt động chính là giao dịch, trao đổi bản quyền. Bởi vậy, bà Phượng cho rằng xây dựng không gian giao dịch bản quyền là “một bước đi chuyên nghiệp” và “tín hiệu mừng cho các nhà xuất bản”.
Ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành nền tảng xuất bản điện tử Waka - đánh giá sàn giao dịch bản quyền là một ý tưởng hay. Ông Hoàng nói không gian giao dịch bản quyền trực tuyến là một cơ hội, nơi các đơn vị làm sách số có thể tận dụng mọi thế mạnh giới thiệu bản quyền tới đối tác cũng như quảng bá sách tới bạn đọc.