Đường ven sông Sài Gòn qua khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tính đến 23/9, TP.HCM giải ngân được 10.877 tỷ đồng trên tổng 37.997 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương mới giải ngân được 91 tỷ đồng, đạt 3,6%.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 26/9.
Trong đó, lãnh đạo TP.HCM cho biết với một số dự án lớn như Tham Lương - Bến Cát, quốc lộ 50, An Phú chiếm gần 1.700 tỷ đồng dự kiến hoàn thành giải ngân cuối năm. Còn lại hai dự án vốn vay nước ngoài là dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 và dự án giao thông xanh, có khả năng không giải ngân hết vốn theo kế hoạch năm.
Liên quan đến tỷ lệ giải ngân, ông Mãi lý giải ban đầu Quốc hội và Thủ tướng giao cho TP.HCM giải ngân đầu tư công là gần 52.000 tỷ đồng, sau đó giao thêm hơn 54.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, TP.HCM là địa phương cân đối ngân sách, có tỷ lệ điều tiết ngân sách là 21% nên TP đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên trước, còn lại bố trí chi cho đầu tư phát triển. Đến nay, thành phố chỉ đảm bảo cân đối được 42.508 tỷ đồng để chi cho đầu tư phát triển.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát (đường màu đỏ) đoạn chảy qua quận Bình Tân (TP.HCM). Ảnh: Google Maps. |
Lãnh đạo TP.HCM cũng nhìn nhận một nguyên nhân khác dẫn đến việc giải ngân chậm là giải phóng mặt bằng. Theo ông, đây luôn là vấn đề khó mà TP.HCM đang tập trung rất quyết liệt. Vừa qua, một số dự án tồn tại cả chục năm, nhất là dự án giao thông cũng đã giải phóng mặt bằng xong và khởi động trở lại.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế cả nước từ đầu năm đến nay có nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất quan trọng.
Nhiệm vụ này góp phần phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và thúc đẩy tăng trưởng và đóng vai trò bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, bộ, ngành; góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
"Chỉ còn một quý của năm 2022, chúng ta phải hành động quyết liệt, có hiệu quả, động viên nhau, làm ngày làm đêm, làm hết việc chứ không hết giờ, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, tình hình không bình thường thì làm việc cũng phải khác bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.