Nhằm phản ánh bức tranh toàn diện về nền kinh tế, mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ) đã có cuộc khảo sát với 8.343 người lao động.
Kết quả cho thấy có đến 31% đang ở trong tình trạng không có việc làm. Tỷ lệ này đã giảm so với trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (62% tại thời điểm tháng 8/2021 và 53% tại thời điểm tháng 10/2021). Tuy nhiên, vẫn còn khá cao, cho thấy bối cảnh nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Nhân sự ngành bất động sản, xây dựng và du lịch lao đao
Trong đó, các ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng và du lịch, khách sạn, nhà hàng có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, lần lượt là 53%, 44% và 43%.
Còn xét theo địa phương, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Đà Nẵng là những tỉnh, thành phố có tỷ lệ người lao động không có việc làm cao nhất, đều trên 30%.
Nhận diện nguyên nhân không có việc làm của người lao động, Ban IV chỉ ra 32,4% người lao động không có việc cho biết rằng họ bị mất việc là do cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng cửa, phá sản hoặc tạm ngừng kinh doanh.
Trong khi đó, 27,1% người cho biết nguyên nhân mất việc do cơ sở sản xuất, kinh doanh phải sa thải lao động để cắt giảm chi phí do không có đơn hàng.
Theo cơ quan này, trong một cuộc khảo sát xu hướng tình hình doanh nghiệp vừa được thực hiện mới đây với các doanh nghiệp còn hoạt động trong năm 2023, có đến 71,3% doanh nghiệp dự kiến phải cắt giảm quy mô lao động từ 5% trở lên.
Do đó, số lượng người lao động bị mất việc tại các doanh nghiệp không những không giảm đi mà tăng lên diễn ra từ quý IV/2022 sang quý I/2023, và dự báo còn tiếp diễn trong các quý còn lại của năm 2023.
Đáng chú ý, liên quan đến tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, có 14% người lao động tham gia khảo sát đã từng rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong số này, 61% cho biết nguyên nhân không có nguồn tiết kiệm hoặc nguồn khác để bù đắp nguồn thu nhập bị mất khi không có việc, trong khi 14% còn lại là lo lắng vào sự ổn định của chính sách bảo hiểm xã hội.
"Khi được hỏi về khả năng đóng lại bảo hiểm xã hội, 48% số lao động từng rút bảo hiểm xã hội cho biết không muốn đóng lại", Ban IV thông tin.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và gia tăng việc làm cho người lao động trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay. Ban IV kiến nghị Chính phủ ưu tiên trợ lực cho doanh nghiệp để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các nhóm giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp được kiến nghị để hỗ trợ gián tiếp cho người lao động gồm kéo dài thời hạn giảm thuế giá trị gia tăng; giãn, hoãn, giảm các khoản phí liên quan đến bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn, hay xem xét mức đóng thuế thu nhập cá nhân mới để phù hợp với bối cảnh mới.
Đồng thời, tiếp tục giảm lãi suất ngân hàng và các chính sách về giãn, hoãn, khoanh nợ đồng thời cân nhắc các khoản vay ưu đãi như cho doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động hoặc để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề, giữ chân người lao động...
Mặt khác, không ban hành thêm văn bản mới tạo thêm gánh nặng về thuế, phí, thủ tục hành chính cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Đối với nhóm giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, Ban IV đề xuất nghiên cứu, cho người lao động sử dụng sổ bảo hiểm xã hội để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp, người lao động không phải thu, nộp kinh phí công đoàn cho cơ quan công đoàn cấp trên tới ít nhất là hết năm 2024.
Đề xuất giãn, hoãn các khoản thuế, phí khác để doanh nghiệp và người lao động dồn nguồn lực này cho người lao động trang trải trực tiếp các nhu cầu cuộc sống, nhằm giảm áp lực/kỳ vọng vào khoản tiền rút từ bảo hiểm xã hội.
Bên cạnh các nhóm vấn đề lớn nêu trên, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ/ngành, địa phương liên quan xem xét kĩ các kiến nghị cụ thể của người lao động thể hiện qua cuộc khảo sát.
Cụ thể, người lao động đề xuất Chính quyền cấp Trung ương và địa phương cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, hạn chế các đợt thanh tra, kiểm tra để các doanh nghiệp được yên tâm hoạt động, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì và mở rộng sản xuất ổn định việc làm cho người lao động.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.
Công nhân Pouyuen mất việc nhận hỗ trợ cao nhất gần nửa tỷ đồng
Công nhân Pouyuen bị cắt giảm được hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc, mức cao nhất nhận 475 triệu đồng, thấp nhất 15 triệu đồng.
TP.HCM chuẩn bị 5.000 việc làm cho công nhân PouYuen sắp bị sa thải
Với 5.744 công nhân PouYuen dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động, Sở LĐTBXH TP.HCM đã chuẩn bị nhu cầu tuyển dụng của 16 doanh nghiệp với 4.960 vị trí việc làm mới.
UBND TP.HCM: Đã lỡ nhiều cơ hội thu hút dự án công nghệ cao quy mô lớn
Chiều tối ngày 18/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã chủ trì buổi họp báo về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.