Tại buổi họp báo, ông Mãi cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý nguyên tắc đưa vào kỳ họp thứ 5 với điều kiện tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và bảo đảm chất lượng dự thảo nghị quyết. Cùng với đó, TP đã phối hợp với các bộ, ngành trung ương khẩn trương chuẩn bị và đến tối 17/5 tổ biên tập đã tiếp thu ý kiến và hoàn thiện dự thảo nghị quyết.
TP đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư mới
Trả lời báo chí, UBND TP.HCM cho biết thời gian vừa qua, TP đã lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án công nghệ cao có quy mô lớn do không có cơ sở và thẩm quyền áp dụng cơ chế ưu đãi do nhà đầu tư đề xuất nhất là các lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên thu hút như chất bán dẫn, sản xuất chip, vật liệu mới, công nghệ pin mới.
Việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nếu qua quy trình thông thường thì thường các tập đoàn lớn không tham gia do không xác định được lộ trình triển khai, thời gian thực hiện dài, nguy cơ ảnh hưởng đến thương hiệu và giá trị doanh nghiệp nếu không được lựa chọn.
Do đó, TP cho rằng cần thiết xác định được ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, có trình tự thủ tục rõ ràng để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và có mức ưu đãi hấp dẫn đủ mạnh để Thành phố có thể cạnh tranh với các địa phương ở các quốc gia khác. Chính sách về ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư chiến lược vào Thành phố kế thừa các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp báo về dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Ảnh: T.N. |
Theo lãnh đạo TP.HCM, việc xây dựng cơ chế, chính sách không phải chỉ riêng cho TP mà còn tạo điều kiện phát huy vai trò "cực tăng trưởng", tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế của vùng và cả nước.
Bên cạnh đó, các chính sách mới sẽ tạo sự thay đổi lớn về hạ tầng đô thị, giao thông, phục vụ phát triển kinh tế gắn kết với các tỉnh trong khu vực, tạo thuận lợi rõ rệt cho các doanh nghiệp hoạt động.
Ngoài ra, các cơ chế chính sách mới sẽ tạo thêm nhiều ưu đãi cho các nhà đầu tư chiến lược theo các ngành nghề TP cần thu hút, các lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Tăng hiệu quả hoạt động của Bộ máy hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phục vụ cho doanh nghiệp trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài.
Nghị quyết mới có thể rút ngắn thời gian xây dựng dự án
Tại buổi họp báo, ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây Dựng TP.HCM, cho biết trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 lần này có 4 chính sách liên quan đến phát triển nhà ở xã hội được Quốc hội xem xét ban hành. Ông cho rằng đây là một trong những nội dung giúp đẩy nhanh quy trình phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Cụ thể, về công tác quy hoạch chi tiết, đối với nhà ở xã hội nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được làm đồng thời, đây điểm then chốt rút ngắn thời gian để thực hiện công tác này đó là cho phép được làm đồng thời diễn hoạch đồ án xây dựng quy hoạch chi tiết cũng như lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan trong việc cùng thực hiện.
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng, phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: T.N. |
Tiếp đến là nội dung liên quan đến việc chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án nhà ở xã hội, với các chủ trương kiến trúc được pháp luật nhà ở xã hội cho phép. Theo ông Quân, đây là một trong những thủ tục được rút ngắn lại để thực hiện dự án nhà ở xã hội. "Theo quy định pháp luật hiện nay, các dự án nhà ở xã hội thường phải tốn thời gian gấp đôi các dự án thương mại", ông nói.
Ông Quân cho biết nghị quyết mới này còn cho phép TP phê duyệt quy hoạch cũng như là bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm quy dự án nhà thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch bố trí quỹ nhà ở xã hội ở một vị trí khác.
"Điều này có nghĩa là trong phạm quy dự án nhà ở thương mại, nhà đầu tư có thể đề xuất để bố trí một quỹ đất khác theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là một điểm tháo gỡ trong đề xuất của TP cho nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 lần này", ông Quân nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nghị quyết mới này còn làm rõ hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở xã hội. Cho phép các dự án có quyền sử dụng đất hợp pháp, phù hợp được tiến hành các thủ tục để xây dựng nhà ở xã hội.
Chủ tịch TP.HCM cho biết hiện các nội dung này vẫn nằm trong dự thảo, Quốc hội sẽ xem xét ban hành trong thời gian tới.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.