Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM thí điểm xe đạp công cộng

UBND TP.HCM cho phép thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại 43 vị trí ở quận 1. Giá vé giai đoạn thí điểm là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút.

Ngày 12/4, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng ký văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp về đề xuất triển khai thí điểm xe đạp công cộng Mobike tại quận 1.

Theo đó, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất cho phép triển khai thí điểm xe đạp công cộng trong 12 tháng. Phía chủ đầu tư được miễn phí sử dụng vỉa hè để bố trí đậu xe tại 43 vị trí tại quận 1.

Sở GTVT được giao chủ trì với các đơn vị liên quan thực hiện dự án thí điểm, điều chỉnh linh hoạt số lượng xe, phạm vi. Sau đó, sở có trách nhiệm tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện để có những đề xuất tiếp theo sau thời gian thí điểm.

thi diem xe dap cong cong anh 1

TP.HCM chính thức cho phép thí điểm mô hình xe đạp công cộng. Ảnh minh họa: Khương Nha.

Theo đề xuất của Sở GTVT, Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (Công ty Trí Nam) là nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư 388 xe bố trí ở 43 vị trí tại khu vực quận 1 và dọc dự án tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt trên đường Điện Biên Phủ, Võ Thị Sáu (quận 3).

Thời gian thí điểm là 12 tháng tính từ ngày Công ty Trí Nam đưa xe vào hoạt động. Đơn vị này được miễn tiền thuê đất để bố trí đậu xe.

Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động.

Người dùng cài đặt miễn phí ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất. Sau đó, người dân dùng ứng dụng này quét mã code mở khóa xe sử dụng.

Khi hoàn tất chuyến đi, người dùng đậu xe vào đúng nơi quy định để khóa xe. Giá vé giai đoạn thí điểm được tính theo thời gian: 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút...

Để tránh xảy ra mất cắp, thất lạc, người dân đăng ký dịch vụ cần cung cấp và xác minh thông tin cá nhân hợp lệ. Mỗi xe đạp được gắn thẻ ID định danh. Thông qua hệ thống phần mềm trung tâm, cán bộ vận hành có thể theo dõi lộ trình di chuyển của xe và người điều khiển.

Diện tích trung bình của mỗi vị trí đậu xe 10-15 m2. Mỗi vị trí sẽ có khoảng 10-20 xe và số lượng xe mỗi vị trí có thể thay đổi cho phù hợp với không gian và mật độ sử dụng.

Hệ thống xe đạp công cộng này sẽ được bố trí trên vỉa hè của một số tuyến đường trung tâm tại quận 1, gần với các điểm dừng xe buýt (trạm dừng, nhà chờ) lưu lượng lớn nhằm đảm bảo người dân có thể đi bộ và tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi.

Sở GTVT nhận định mạng lưới xe đạp sẽ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện hơn thay vì hình thức đi bộ truyền thống hiện tại. Đặc biệt, TP đang nghiên cứu thí điểm 2 tuyến đường ưu tiên cho xe buýt, trong đó, xe đạp công cộng được xem là phương án hiệu quả gom khách, hút khách cho xe buýt.

Tiếp viên xe buýt từ chối phục vụ người khuyết tật ở TP.HCM

Tiếp viên xe buýt số 8 từ chối phục vụ người đàn ông khuyết tật đi xe lăn tại trạm chờ trên đường Kha Vạn Cân, phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, khiến nhiều người bức xúc.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm