Theo Sở Công Thương, TP.HCM chủ yếu nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ Brazil (2.368 tấn, kim ngạch 4,39 triệu USD), Mỹ (874 tấn, kim ngạch 1,75 triệu USD) và Ba Lan (848 tấn, kim ngạch 1,41 triệu USD).
Lý giải về sự gia tăng sản lượng nhập khẩu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương TP.HCM), cho biết giá thịt heo nhập khẩu rẻ hơn giá heo hơi trong nước, đồng thời việc ký kết các hiệp định tự do thương mại giúp xóa bỏ nhiều rào cản hội nhập thị trường quốc tế.
Hiện nay, thịt heo đông lạnh nhập khẩu về TP.HCM chủ yếu được dùng trong chế biến thực phẩm như giò, chả, xúc xích. Chỉ một sản lượng nhỏ được bán trực tiếp ra thị trường thông qua các kênh bán lẻ hiện đại do người tiêu dùng Việt Nam chưa có thói quen sử dụng thịt đông lạnh.
"Đây là một thách thức lớn với TP.HCM khi sắp tới, để ứng phó với tình hình dịch tả heo châu Phi kéo dài khiến giá thịt heo tiếp tục tăng, TP.HCM sẽ phải tính đến phương án tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước để bổ sung nguồn cung cho thị trường", ông nói.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, hiện nay hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần trên toàn thành phố, do đó nếu triển khai thì phương án này chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của thị trường.
Hệ thống bán lẻ hiện đại chiếm 25% thị phần trên toàn TP.HCM. Ảnh: Báo Công Thương. |
Trao đổi với báo chí, ông Phương cũng đưa ra 2 giải pháp khác của Sở Công Thương, bao gồm dự trữ và tìm nguồn cung thịt thay thế khác. Tuy nhiên, chi phí và năng lực dự trữ hạn chế khiến TP.HCM khó đáp ứng nhu cầu trong dài hạn.
Còn nguồn cung thịt thay thế chủ yếu đến từ gia cầm đã được một số hộ chăn nuôi ở khu vực phía bắc chủ động áp dụng. Tuy nhiên, ông Phương cho biết những hộ này vốn quen chăn nuôi heo nên khi đột ngột chuyển qua chăn nuôi gia cầm còn gặp nhiều khó khăn.
“Cần có sự vào cuộc sớm của các bộ, ngành trung ương để hỗ trợ định hướng cho người chăn nuôi, quy hoạch tránh tình trạng dịch bệnh, ngay cả đối với gia cầm và tính toán đầu ra để đảm bảo không bị lỗ”, ông Phương nêu kiến nghị.
Hiện tại, để ứng phó dịch tả heo châu Phi, Sở Công Thương đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm theo dõi sát thị trường, triển khai bình ổn thị trường, xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, khuyến khích tăng đàn với trang trại kiểm soát dịch bệnh tốt và xử lý thông tin sai lệch.
Đặc biệt, Sở dự kiến đảm bảo nguồn thịt heo bình ổn thị trường với sản lượng 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% thị phần tiêu thụ.
Trước đó, trao đổi với Zing.vn, các hệ thống siêu thị như Saigon Co.op cho biết đang tìm kiếm nguồn cung thịt đông để chủ động đảm bảo lượng thịt heo cung cấp cho thị trường.