Theo South China Morning Post, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa công bố báo cáo triển vọng nông nghiệp toàn cầu trong giai đoạn 2019-2028.
FAO và OECD dự báo thị trường nông nghiệp toàn cầu sẽ duy trì sự ổn định trong thập kỷ tới khi năng suất tăng lên, đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học của các nước.
Các nhân viên môi trường đang làm việc tại một ổ dịch được tìm thấy ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters. |
Dịch tả lợn là một trong những điểm quan trọng trong báo cáo của FAO và OECD. Trung Quốc đang vật lộn với dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh lan rộng trên khắp đất nước tỷ dân trong năm vừa qua.
Không có thuốc chữa bệnh hoặc vắc-xin, căn bệnh thường gây tử vong cho heo dù không lây trực tiếp sang người.
FAO và OECD dự báo sản lượng thịt heo Trung Quốc sẽ giảm 5% trong năm nay, trong khi thịt nhập khẩu tăng lên gần 2 triệu tấn so với mức trung bình 1,6 triệu tấn mỗi năm giai đoạn 2016-2018.
Sản lượng thịt heo sẽ phục hồi vào năm 2020, bằng mức của năm 2018, trước khi quay lại lộ trình tăng trưởng dài hạn do nhu cầu cơ bản cao.
Sâu keo được phát hiện ở Thái Lan. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, FAO và OECD cảnh báo tác động của dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa rõ ràng so với dịch hại sâu keo mùa thu ở Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á. Bởi đây là dịch bệnh có thể kiểm soát được bằng thuốc trừ sâu.
“Các biện pháp để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh sẽ làm giảm sản lượng thịt lợn toàn cầu trong thời gian ngắn”, hai tổ chức cho biết. “Hiệu quả của việc ngăn chặn là chưa rõ ràng, tác động trung hạn của dịch bệnh có thể nghiêm trọng hơn so với dự đoán hiện nay”.
Các nhà quan sát khác xác định sản lượng thịt lợn Trung Quốc giảm mạnh do một số lượng lớn gia súc bị tiêu hủy. Họ nghi ngờ chính quyền Trung Quốc công bố các con số thấp hơn so với thực tế. Mới đây Bắc Kinh khẳng định dịch bệnh đã bị ngăn chặn và sản lượng thịt heo đang phục hồi.
Một cơ sở nuôi heo ở Campuchia. Ảnh: AP. |
Ngoài các mối đe dọa về dịch bệnh và rủi ro thời tiết, một vấn đề lớn khác đối với thị trường nông nghiệp toàn cầu là căng thẳng thương mại gia tăng. FAO và OECD cho biết hàng rào thuế quan mới sẽ ngăn chặn việc thịt heo Mỹ hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu ngắn hạn của Trung Quốc.
Châu Á sẽ tiếp tục là khu vực tiêu thụ chính, thúc đẩy nhu cầu thịt lợn toàn cầu. Trong khi đó, gia cầm sẽ chiếm một nửa lượng thịt tiêu thụ bổ sung trong 10 năm tới.
Tuy nhiên, bơ sữa dự kiến là ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng nhanh nhất nhờ nhu cầu bùng nổ ở Ấn Độ và Pakistan.