Chiều 6/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi họp báo về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình tại dự án Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Ông Hoan cho biết hơn một năm qua, thành phố làm nhiều việc để thực hiện các kết luận của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, có việc thành phố muốn làm nhanh cũng không được vì phải chờ cơ sở pháp lý. Trong 8 nội dung đã triển khai, có 4 nội dung đã hoàn thành, 4 nội dung đang thực hiện.
“Bàn pháp lý là bàn cái gì"
Ông Hoan nhắc lại kết luận của Thanh tra Chính phủ và kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình là thành phố sai về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Thành phố đã thu hồi rồi thu hồi bổ sung mà chưa xin ý kiến Chính phủ. TP thường xuyên báo cáo với Trung ương và cuối cùng Chính phủ đồng ý, có quyết định công nhận, quyết định này có giá trị pháp lý.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trả lời câu hỏi các phóng viên. Ảnh: Quang Huy. |
Phó chủ tịch TP phân trần không có dự án nào thực tiễn như kế hoạch ban đầu mà luôn biến động nên phải thường xuyên cập nhật. Trong quản lý Nhà nước, có những chủ trương thống nhất rồi nhưng có cái làm liền, có cái phải xin ý kiến.
Về bản đồ quy hoạch, thành phố đã công bố và nhận được sự đồng thuận của đại bộ phận người dân bởi họ mong muốn được giải quyết sớm, có thêm thời gian lo cho gia đình.
Bên cạnh đó, cũng có vài trường hợp không bàn chính sách mà chỉ bàn pháp lý.
“Bàn pháp lý là bàn cái gì. Nếu thu hồi 3 quyết định của thành phố thì quyết định của Thủ tướng công nhận 3 quyết định thành một là không đúng. Bây giờ đi tìm cái gì nữa”, ông Hoan phân tích.
Lãnh đạo thành phố khẳng định pháp lý cuối cùng là kết luận của Thủ tướng. Sau đó, thành phố đã công bố bản đồ theo kết luận đã được Thủ tướng phê duyệt để người dân biết ranh quy hoạch Khu Công nghệ cao.
Các cơ quan truyền thông tại cuộc họp báo. Ảnh: Quang Huy. |
Lãnh đạo TP.HCM thừa nhận thiếu sót
Hôm 1/8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp xúc một số hộ dân để tìm hướng giải quyết khiếu nại trong thu hồi đất ở dự án này.
“Trong quá trình thực hiện dự án, cũng còn một số thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến sự bức xúc của người dân. Thay mặt chính quyền thành phố, tôi xin nhận trách nhiệm về những thiếu sót nêu trên”, ông Phong thừa nhận.
Chủ tịch UBND TP khẳng định luôn tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Qua các buổi tiếp xúc, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe các ý kiến của người dân nhằm thực hiện hiệu quả kết luận của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Về các chính sách hỗ trợ cho người dân, người đứng đầu chính quyền thành phố khẳng định phải dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật.
Trước khi Chủ tịch UBND TP tiếp xúc người dân, HĐND TP đã thông qua khoản chi 1.471 tỷ đồng cho dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu Công nghệ cao tại kỳ họp giữa năm.
Khi thực hiện dự án Khu Công nghệ cao, TP.HCM thu hồi đất của 3.583 hộ dân, trong đó có 3.113 hộ dân thuộc dự án và 470 hộ dân buộc phải di dời khi thành phố thu hồi thêm 149 ha nằm ngoài ranh quy hoạch để xây dựng các khu tái định cư.
Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, tại cuộc họp báo. Ảnh: Nguyên An. |
Trong quá trình thực hiện dự án, nhiều hộ dân làm đơn khiếu nại vì cho rằng thành phố thu hồi đất ngoài ranh quy hoạch, phương án bồi thường, tái định cư chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Liên quan đến khiếu nại của người dân, vào năm 2017, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã kết luận thành phố có thiếu sót liên quan đến trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phó thủ tướng chỉ đạo đối với phần diện tích 41 ha nằm trong ranh quy hoạch Khu Công nghệ cao, UBND TP.HCM có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân.
Riêng 7 dự án nằm ngoài ranh quy hoạch, thành phố rà soát các dự án, diện tích của 5.668 căn hộ và nền đất có tính chất thương mại, có nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để xác định chênh lệch chi phí và thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền này nộp về ngân sách Nhà nước.
Từ 800 ha lên 913 ha
Năm 1998, Thủ tướng ban hành quyết định số 989/QĐ-TTg về giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu Công nghệ cao TP.HCM, trong đó xác định quy mô tổng diện tích là 800 ha. Thế nhưng, sau 3 lần thu hồi đất, diện tích của Khu Công nghệ cao tăng lên 913 ha.
Lần thu hồi thứ nhất vào năm 2002, UBND TP báo cáo và kiến nghị Thủ tướng thu hồi toàn bộ diện tích là 804 ha (tăng 4 ha) và đã được người đứng đầu Chính phủ cho phép.
Lần thu hồi đất thứ 2 diễn ra một năm sau đó, thành phố bổ sung 6,9 ha. Lần thu hồi đất thứ 3 vào năm 2004, thành phố đã thu hồi bổ sung diện tích lên đến 102 ha. Thanh tra Chính phủ cho rằng 2 lần thu hồi đất này chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch là chưa đúng thẩm quyền và trình tự, thủ tục thu hồi đất.
Khu Công nghệ cao (quận 9) sau 3 lần thu hồi đất rộng 913 ha. Ảnh: Nguyên An. |
Đến năm 2005, thành phố báo cáo và kiến nghị Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể dự án đầu tư xây dựng mới Khu Công nghệ cao từ 804 ha lên 913 ha.
Trên cơ sở kiến nghị của thành phố, Thủ tướng ban hành quyết định điều chỉnh và bổ sung quy hoạch tổng thể Khu Công nghệ cao với tổng diện tích 913 ha vào tháng 4/2007.
Ngoài ra, UBND TP.HCM còn giao UBND quận 9 thu hồi thêm 149 ha đất nằm ngoài ranh Khu Công nghệ cao (khu 913 ha) để lập 9 dự án gồm 7 dự án tái định cư, một khu nhà ở chuyên gia và một khu nhà lưu trú cho công nhân.
Thanh tra Chính phủ nhận định việc thu hồi 149 ha này thể hiện công tác quy hoạch quỹ đất phục vụ tái định cư không sát thực tế. Mặc dù trong ranh dự án Khu Công nghệ cao đã quy hoạch khu nhà ở chuyên gia với diện tích 27,7 ha đến nay chưa xây dựng nhưng vẫn thu hồi thêm đất ngoài ranh.