Gói an sinh xã hội và chính sách hỗ trợ lao động gặp khó khăn do Covid-19 ở TP.HCM là nội dung chính của buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 27/8.
Ngoài các câu hỏi được gửi sẵn qua form đăng ký của chương trình, hơn 7.000 lượt bình luận của người xem cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ trong giai đoạn TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội.
700 shipper chuyển gói an sinh đến người dân
Tại chương trình, nhiều người đặt câu hỏi liên quan đến việc chưa nhận được gói an sinh và chính sách hỗ trợ từ thành phố, dù nằm trong nhóm mất thu nhập do dịch bệnh Covid-19. Nhiều người kể về hoàn cảnh khó khăn khi cha mẹ già đau ốm hoặc có con nhỏ, hai vợ chồng thất nghiệp, thu nhập mất trắng nhưng chưa nhận được tiền trợ cấp.
Trả lời, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, cho biết từ ngày 25/6, thành phố bắt đầu thực hiện việc trợ cấp cho lao động tự do với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Đến ngày 26/8, gói hỗ trợ được mở rộng ra nhiều đối tượng khác. Do đó, vùng hỗ trợ đã mở rộng hơn và nhiều người dân đã nhận được hỗ trợ trong cả 2 đợt.
Tuy nhiên, do số lượng cần hỗ trợ quá lớn, các phường, xã cần lập danh sách, sau đó chuyển lên để thành phố tổng hợp và chuẩn bị ngân sách hỗ trợ cũng như các gói an sinh.
Sau khi các công đoạn hoàn tất, thành phố sẽ chuyển tiền hỗ trợ, gói an sinh về cho quận, huyện và địa bàn nơi người dân sinh sống sẽ bố trí lực lượng để đưa tận tay đến người dân.
TP.HCM dự kiến hoàn tất hỗ trợ 1 triệu gói an sinh cho người dân trong tháng 8, sau đó tiếp tục hỗ trợ 1 triệu gói còn lại. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Bên cạnh đó, từ ngày 25/8, TP.HCM mới bắt đầu triển khai việc hỗ trợ gói an sinh, tính đến nay mới được 3 ngày, "có cán bộ xã, phường chưa nắm được tinh thần của chỉ đạo nên việc hỗ trợ còn chậm trễ".
Dù vậy, ông Hải cho biết người gặp khó khăn hãy liên hệ trực tiếp với tổ trưởng dân phố để được hỗ trợ. Ở mỗi tổ dân phố đều đã thành lập các tổ an sinh để vận hành việc này, người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp có thể liên hệ qua đây.
Ngoài ra, người dân có thể để lại số điện thoại, địa chỉ cụ thể cho chương trình, sau đó các cán bộ sẽ tiếp nhận thông tin và liên hệ trực tiếp tới người dân để hỗ trợ.
Ông Phạm Đức Hải kêu gọi người dân trong thời điểm này "thắt lưng buộc bụng", ai cũng khó khăn nhưng người khó khăn ít thì nhường lại cho những người khó hơn. Hiện, TP.HCM tập trung hỗ trợ khu vực nhà trọ đông dân cư, đồng thời tiếp tục rà soát danh sách người dân có hoàn cảnh khó khăn do tổ dân phố, phường, mặt trận tổ quốc (MTTQ) gửi đến.
Trả lời câu hỏi của MC Quyền Linh về việc trong thời điểm người dân ai cũng khó khăn, tại sao TP vẫn cần rà soát và xác minh thông tin, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, cho biết có trường hợp người dân nhận rồi nhưng vẫn tiếp tục yêu cầu. Do đó, việc xác minh là cần thiết để gói hỗ trợ đến đúng địa chỉ.
Theo ông Tuấn, thông qua danh sách người dân gửi yêu cầu hỗ trợ về chương trình, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đã tiếp nhận và đang xác minh hơn 70.000 trường hợp cần túi an sinh xã hội. Theo kế hoạch, thành phố sẽ hoàn thành việc trao hơn 1 triệu túi an sinh cho người dân trong tháng 8.
Bên cạnh đó, TP vừa triển khai mô hình hoạt động với 700 shipper tự nguyện. Những người này sẽ trực tiếp gửi các gói an sinh đến người dân để tăng tốc việc hỗ trợ.
Việc hỗ trợ có cơ quan giám sát, kiểm tra
Bên cạnh những thông tin về việc chưa nhận được gói an sinh, chương trình nhận được phản ánh về việc có cán bộ ăn chặn tiền hỗ trợ của người dân.
Cụ thể, một người dân tên Thạch Khe Ma Ra (huyện Bình Chánh) cho biết sau khi cán bộ đến nhà trọ của anh để trao giấy xác nhận cùng tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, cán bộ này đã đòi lại anh 200.000 đồng và nói đây là phí thủ tục, giấy tờ.
Ngay khi nhận thông tin này, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, đã lập tức gọi điện cho anh Thạch Khe Ma Ra thông qua số điện thoại do anh cung cấp cho chương trình.
Sau khi nghe anh này trình bày rõ hơn tình huống xảy ra, ông Hải cho biết sẽ chỉ đạo ngay Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM và lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh vào cuộc xác minh. Ông Hải cho biết không có chuyện thành phố yêu cầu thu 200.000 đồng phí giấy tờ và khẳng định "bà con được nhận 1,5 triệu đồng là sẽ nhận đúng số tiền này".
Trả lời câu hỏi về việc thanh tra những tiêu cực xung quanh việc trao gói hỗ trợ, ông Hải nhấn mạnh một trong những nguyên tắc để thành công trong chống dịch là phải công bằng, minh bạch. Theo đó, mỗi quận, huyện và thành phố đều có ủy ban kiểm tra để thanh tra việc hỗ trợ, đồng thời giải quyết những khiếu nại của người dân.
Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, gọi điện trực tiếp để nghe chia sẻ của người dân tố cán bộ ăn chặn tiền hỗ trợ. Ảnh: Fanpage Trung tâm báo chí TP.HCM. |
Nói thêm về việc người dân gửi thông tin qua tổng đài 1022 (phím số 2) nhưng không nhận được phản hồi, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM cho biết ban đầu, thành phố thiết lập và vận hành đường dây nóng này chỉ với 20 tổng đài viên, tiếp nhận khoảng 2.000 cuộc gọi/ngày.
Nhưng sau khi TP tăng cường biện pháp giãn cách xã hội, người dân gặp nhiều khó khăn hơn, số lượng cuộc gọi mà tổng đài nhận được lên tới 20.000 cuộc/ngày, gấp 10 lần.
Lúc này, thành phố có giải pháp là tăng từ 20 lên 50 tổng đài viên. Dù vậy, những tổng đài viên này chỉ giải quyết được khoảng 7.000 cuộc gọi/ngày. Vì vậy, phải dùng đến giải pháp thứ hai là trí tuệ nhân tạo, nhằm tăng tương tác, tập hợp nhiều số điện thoại; đồng thời tăng tốc độ đường truyền của tổng đài để đáp ứng nhu cầu được lắng nghe ý kiến của bà con.
Dù vậy, ông Hải cũng cho biết người dân nếu có thể, hãy gọi cho tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, rộng hơn là trưởng xóm, ấp, phường, xã để được hỗ trợ nhanh và kịp thời hơn. Ngoài ra, bên cạnh việc gọi 1022, người dân có thể thông qua app, website, Zalo, Facebook, email của tổng đài này để gửi thông tin cần hỗ trợ.
Bình luận